Cửa sổ thế giới

Sát hạch nhà báo tương lai

Trong năm nay, theo dự kiến, Tổng cục Quản lý báo chí và xuất bản Trung Quốc sẽ giới thiệu một kỳ thi kiểm tra trình độ cho các nhà báo, trong nỗ lực nâng cao chất lượng thông tin và trách nhiệm của nhà báo. Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc tổ chức một kỳ thi sát hạch các nhà báo tương lai.

Phần lý thuyết của bài kiểm tra sẽ tập trung vào đạo đức truyền thông của Chủ nghĩa Mác, lịch sử báo chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Kỳ thi này cũng tương tự như các kỳ thi cấp văn bằng chứng chỉ khác, và tất cả nhà báo tương lai sẽ phải dự kỳ thi này trước khi xin việc liên quan đến lĩnh vực truyền thông. Các nhà chức trách Trung Quốc hy vọng chế độ văn bằng mới sẽ làm cho dòng kiến thức của Đảng Cộng sản và tư tưởng của Chủ nghĩa Mác được thấm nhuần trong cách thức đưa tin viết bài, là điều kiện tiên quyết để đánh giá một phóng viên có trình độ.

Trước sự bùng nổ thông tin toàn cầu, nghề báo đã trở thành một trong những ngành nghề có sức hấp dẫn, lôi cuốn rất nhiều bạn trẻ tại Trung Quốc. Số liệu thống kê chính thức cho thấy hiện ở Trung Quốc đại lục có 1.943 tờ báo và 9.860 tạp chí với số phóng viên, biên tập viên khoảng 1 triệu người. Con số này chưa bao gồm các phóng viên tự do, những người không ký hợp đồng chính thức với các tòa soạn báo.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đội ngũ những người làm báo. Sự phát triển này đã góp phần đem lại nhiều “món ăn tinh thần” đa dạng, phong phú cung cấp thông tin cho hàng triệu triệu độc giả tại nước này.

Nhưng bên cạnh những phóng viên chân chính sẵn sàng hy sinh, lăn xả vì công việc là những “phóng viên bẩn”, đem lại nhiều “quả đắng” cho các tòa soạn báo. Cuối năm 2009, các nhà chức trách đã xử phạt 32 người công tác trong ngành báo chí truyền thông trên địa bàn tỉnh Sơn Tây và 28 đối tượng giả danh phóng viên để tống tiền doanh nghiệp, trong vụ nhận tiền để bưng bít thông tin tai nạn hầm mỏ Hoắc Bảo, tỉnh Sơn Tây. Năm 2007, Trung Quốc đã xôn xao với sự kiện bánh bao hấp nhồi bìa các-tông được bán ở Bắc Kinh nhưng thực chất đây là thông tin giả. Phóng viên đưa tin về sự kiện này đã thừa nhận chỉ muốn đánh bóng tên tuổi và cô đã bị kết án 1 năm tù giam. Và còn rất nhiều trường hợp liên quan đến việc đưa tin sai sự thật, tống tiền doanh nghiệp và đút túi riêng bị đưa ra ánh sáng đã khiến công chúng phẫn nộ, làm dấy lên sự phản đối kịch liệt về tình trạng thiếu đạo đức của các nhà báo.

Những ảnh hưởng xấu từ các “phóng viên bẩn” buộc Chính phủ Trung Quốc liên tục đưa ra những điều luật, quy định khắt khe hơn để đảm bảo sự trong sạch trong môi trường truyền thông, đang xuất hiện những xu hướng biến chất trước lực hấp dẫn của những đồng tiền, danh vọng. Kỳ thi kiểm tra trên là một trong những quy định mới nhất dành cho các phóng viên tương lai. Những quy định mới về báo chí của Trung Quốc cũng làm nảy sinh nhiều dư luận, nhưng hầu hết đều lên tiếng ủng hộ. Bởi đây là sự cần thiết, vì độc giả, người đón nhận thông tin, luôn yêu cầu sự trung thực, chính xác, trong từng bài viết của các nhà báo. Và xã hội sẽ ra sao, nếu hàng ngày nhan nhản trên các mặt báo là những thông tin sai sự thật. Ngành truyền thông báo chí sẽ ra sao khi xuất hiện đầy rẫy những nhà báo thiếu đạo đức sẵn sàng bẻ cong ngòi bút để thu lợi về túi riêng.

Phương Nam

Tin cùng chuyên mục