Hội nghị giao ban trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh, thành về vấn đề cải cách hành chính (CCHC) đã diễn ra hôm qua 5-4.
Cải cách tiền lương còn chậm
Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trình bày tại hội nghị cho biết, CCHC giai đoạn 10 năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Thủ tục hành chính trên các lĩnh vực đã được rà soát, đơn giản hóa nhiều lần theo hướng tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến cơ quan hành chính giải quyết công việc. Đặc biệt, trong những lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp như: đất đai, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu, đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, hải quan, thuế, kho bạc, xuất nhập khẩu... thủ tục hành chính đã được rà soát sửa đổi nhiều.
Mặc dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra hạn chế trong CCHC 10 năm qua. Cụ thể như tốc độ CCHC còn chậm, kết quả còn chưa đạt được so với mục tiêu chung đặt ra là “đến năm 2010 xây dựng được một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại”, chưa tương xứng với yêu cầu, quy mô đổi mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết của Đảng.
Tuy có sự giảm đầu mối trực thuộc Chính phủ, nhưng bộ máy bên trong các bộ còn chưa giảm. Chưa xây dựng được cơ cấu cán bộ công chức (CBCC) trong các cơ quan hành chính, chưa thực hiện tốt việc đào tạo trước khi bổ nhiệm. Cơ chế quy định trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ ràng, chưa đánh giá được chất lượng đội ngũ CBCC sau đào tạo. Công tác cải cách tiền lương triển khai còn chậm, tiền lương chưa thực sự là động lực của CBCC.
Nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, yếu kém trong CCHC 10 năm qua đã được đưa ra, trong đó có nguyên nhân tệ cửa quyền, quan liêu, tham nhũng vẫn còn, tính công khai, minh bạch của nền hành chính còn nhiều thách thức, một bộ phận CBCC suy giảm lý tưởng, lối sống và vi phạm đạo đức công vụ, gây bất bình trong nhân dân.
Tránh tình trạng một nền hành chính cắt khúc
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, địa phương để hoàn chỉnh lại báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, trình Chính phủ thông qua tại phiên họp tháng 4.
Thủ tướng cũng cho rằng, công tác CCHC 10 năm qua đã đạt kết quả tích cực, đóng góp chung vào thành tựu chung của công cuộc phát triển KT-XH. Thành tựu chung 10 năm qua có sự đóng góp tích cực của bộ máy hành chính, tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ nhà nước. Tuy đội ngũ CBCC vẫn còn yếu kém cần phải khắc phục, nhưng đóng góp của đội ngũ CBCC là rất lớn.
Thủ tướng cho rằng, cần nghiêm túc nhìn nhận kết quả 10 năm qua chưa đạt yêu cầu đặt ra về CCHC. CCHC cần phải quyết liệt hơn để tạo thành nguồn lực phát triển nhanh, bền vững đất nước; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ. Thủ tướng yêu cầu phải làm cho bộ máy trong sạch, thông suốt, hiệu lực hiệu quả; có đội ngũ CBCC chuyên nghiệp, hiện đại, có phẩm chất đạo đức.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh những yêu cầu của công tác CCHC trong 10 năm tới. Thứ nhất, phải khắc phục vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi. Thứ hai, phải xây dựng được hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở thông suốt, tránh tình trạng một nền hành chính cắt khúc, mệnh lệnh không tới được, kỷ cương hành chính không được chấp hành nghiêm túc. Thứ ba, bảo đảm ngày càng tốt hơn dân chủ, quyền làm chủ của người dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và phục vụ nhân dân. Thứ tư, xây dựng đội ngũ CBCC vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, có năng lực ngoại ngữ, kỹ năng hành chính, có tâm huyết phục vụ nhân dân, đất nước.
Cũng theo Thủ tướng, cải cách thể chế đi liền với cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, thủ tục hành chính nào không phù hợp thì phải loại bỏ. “Các bộ, địa phương lưu ý những vấn đề dân đang kêu: đầu tư xây dựng cơ bản, thủ tục đất đai, thủ tục quyền sở hữu nhà, bất động sản, thủ tục về luật thuế”, Thủ tướng nhắc. Bên cạnh đó, thực hiện phân cấp nhưng đảm bảo thông suốt giữa các cấp.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí, TPHCM hiện có trên 10 triệu dân; hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều sôi động với trên 100.000 doanh nghiệp và 300.000 cơ sở cá thể. TP đã chọn năm 2006 và 2007 là “Năm cải cách hành chính” với trọng tâm cải cách về thể chế, thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính; tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Nhiều cách làm hay, nhiều mô hình và phương thức quản lý mới theo hướng hiện đại của một đô thị lớn được áp dụng trong các cơ quan hành chính, đã tạo bước đột phá mới trong thực hiện các nội dung cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 mà TP đã đề ra. TPHCM cũng là địa phương đi đầu cả nước về áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực như: cấp giấy chứng nhận nhà đất, cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, tư pháp… Các nỗ lực trên đã tạo ra môi trường kinh doanh và đầu tư của TPHCM trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2010 chuyển biến tích cực hơn, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP và cả nước liên tục tăng trong nhiều năm qua. H.NAM |
Sau 10 năm cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ từ 48 đã giảm xuống còn 30. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh từ 19 - 27 đầu mối xuống còn 17 - 20 và cơ quan chuyên môn cấp huyện từ 12 - 15 đầu mối xuống chỉ còn 12 - 13. Thực hiện Đề án 30, giai đoạn 1 trong cả nước đã thống kê được trên 5.700 thủ tục hành chính, trên 9.000 văn bản quy định và trên 100.000 biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính. Giai đoạn 2 các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc tự rà soát theo tiến độ và đạt chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% thủ tục hành chính. Đến nay, đã có trên 5.500 thủ tục hành chính được rà soát; trong đó có 453 thủ tục hành chính được kiến nghị bãi bỏ, 3.749 thủ tục hành chính được kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, 288 thủ tục hành chính được thay thế, đạt tỷ lệ đơn giản hóa 81%. |
LÂM NGUYÊN