Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 4 lần giảm, tuy nhiên cho đến nay, hầu như các đơn vị vận tải tại TPHCM vẫn chưa chịu giảm giá cước. Trong khi trước đây, ngay lúc xăng dầu vừa tăng giá thì các doanh nghiệp này đã vội đề nghị xin được tăng khiến nhiều mặt hàng phục vụ đời sống tăng theo.
Giảm giá chiếu lệ
Sau 4 lần xăng dầu giảm giá khiến nhiều người hy vọng cước vận tải sẽ giảm theo. Tuy nhiên sau gần 1 tuần các doanh nghiệp vận tải TPHCM chưa có phản ứng gì vì cho rằng giá xăng vẫn ở mức cao nên chưa tác động nhiều. Giá cước taxi chịu tác động sớm nhất và nhiều nhất của việc giá xăng dầu tăng, giảm. Đến thời điểm này giá cước taxi cũng như vận tải hàng hóa vẫn chưa thay đổi, có chăng chỉ một vài hãng taxi giảm chiếu lệ.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM kiêm Phó Tổng giám đốc Hãng Vinasun taxi cho rằng, từ ngày 8-6, Vinasun đã giảm giá cước 500 đồng/km đối với tất cả các loại xe. Do đơn vị lập trình lại toàn bộ đồng hồ tính cước cho 4.500 xe mới vừa xong cách đây vài ngày. Như vậy, đợt giảm giá xăng lần thứ 4 - chỉ 700 đồng/lít (chiếm 2% mức giảm giá nhiên liệu) nên chưa đủ điều kiện để giảm giá cước.
Tuy nhiên, Hiệp hội khuyến nghị các đơn vị doanh nghiệp hoạt động taxi (nhất là các doanh nghiệp chưa điều chỉnh giá cước trong 3 lần giảm giá xăng dầu trước đây) nên tiến hành giảm giá cước sau đợt xăng dầu giảm giá lần thứ 4 để chia sẻ với khách hàng. Theo ông Hỷ, giá cước vận tải được tính dựa trên nhiều yếu tố đầu vào như chi phí bến bãi, tiền công, vật tư... trong đó chi phí nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 40%. Như vậy, chi phí ngoài nhiên liệu hiện vẫn giữ ở mức cao. Do các DN vận tải tự tính toán khung giá và tự cân đối nên nếu có giảm giá cước thì mức giảm cũng không là bao.
Gần một tuần xăng dầu giảm giá nhưng hầu như các hãng taxi trên địa bàn TPHCM như Phương Trang, Vinataxi, Festival... vẫn chưa thấy động tĩnh gì về giá cước. Tương tự, các DN vận tải khách liên tỉnh cũng chưa có phương án trong việc giảm giá cước.
Đối với các DN vận tải hàng hóa, ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho rằng, trong đợt giảm giá nhiên liệu ngày 7-6, phần lớn các DN vận tải không giảm giá cước. Do các chi phí đầu vào khác vẫn ở mức cao, nếu giảm giá cước DN sẽ thua lỗ. Thay vào đó, DN vận tải sẽ đàm phán với khách hàng để giảm giá nhiên liệu thực tế tiêu hao cho từng chuyến vận chuyển. Chẳng hạn, mỗi chuyến tiêu hao khoảng 100 lít dầu, DN vận tải giảm cho khách hàng tương ứng với mức giảm 700 đồng/lít dầu (khoảng 70.000 đồng/chuyến hàng).
Vì sao cước không giảm?
Tuy các đợt giảm giá xăng dầu gần đây chưa bằng với các đợt tăng giá trước đó, nhưng thực tế các DN vận tải cũng không phải bù lỗ khoản chênh lệch đó, thậm chí DN vận tải còn đang có lợi. Bởi lẽ, trong đợt tăng giá ngày 7-3 (xăng tăng 2.100 đồng/lít, dầu diesel tăng 1.000 đồng/lít), hầu hết các DN vận tải đều đã tăng giá cước. Cụ thể, các hãng taxi tại TPHCM tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/km, vận tải hành khách liên tỉnh tăng 5 - 10% giá cước, giá vận tải hàng hóa cũng tăng khoảng 5%.
Riêng đợt tăng giá nhiên liệu ngày 20-4 (xăng tăng 900 đồng/lít, dầu diesel tăng 500 đồng/lít), các DN vận tải không tăng giá cước. Sau đó, ở các lần giảm giá nhiên liệu vào ngày 9-5 và 23-5, giá cước vận tải vẫn không điều chỉnh giảm; tiếp đó, ngày 7-6, giá xăng dầu tiếp tục giảm ở mức 800 đồng/lít xăng, 700 đồng/lít dầu diesel và ngày 21-6 tất cả các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm giá từ 300-700 đồng/lít.
Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Minh Liên cho rằng: Trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa giữa các doanh nghiệp vận tải và phía khách hàng; nếu giá nhiên liệu tăng 1.000 đồng/lít thì sẽ điều chỉnh tăng giá cước và ngược lại mà không có quy định chế độ cộng dồn các lần tăng hay giảm giá xăng, dầu để điều chỉnh giá cước vận chuyển. Do đó, hiện nay với mức giảm giá xăng, dầu mới đây chỉ ở mức dưới 1.000 đồng/lít không đủ điều kiện để giảm giá cước.
Mặt khác, ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Vận tải Đặng Tiến lại cho rằng, việc tăng hay giảm giá cước vận tải tùy thuộc vào việc ký kết hợp đồng giữa các công ty, chứ không có sự thống nhất nào về giá xăng dầu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp hợp đồng vận chuyển giữa các doanh nghiệp vận tải và khách hàng quy định nếu giá xăng, dầu tăng 1.000 đồng/lít thì mới điều chỉnh tăng giá cước 4% và ngược lại.
Trao đổi với PV Báo SGGP sau đợt giảm giá xăng dầu lần thứ 4, ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM cho biết: Hiện nay các doanh nghiệp vận tải đang thỏa thuận, trao đổi với khách hàng tiếp tục theo dõi diễn biến giảm giá cước xăng dầu trong nước, cũng như giá cả trên thị trường để có sự điều chỉnh giá cước vận tải trong thời gian tới. Hiệp hội đang đề nghị những doanh nghiệp vận tải chưa giảm giá cước trong 3 lần giảm giá xăng dầu thì trong đợt giảm giá xăng dầu lần thứ 4 mới đây sẽ áp dụng mức giảm giá cước vận tải ngay.
Nếu so sánh từ đợt tăng giá nhiên liệu lần thứ hai với 3 lần giảm gần đây cho thấy, DN vận tải đang có lời gần 2.000 đồng/lít xăng và 900 đồng/lít dầu. Tương ứng đó, trong các đợt xăng dầu giảm giá trước đây ít nhiều cũng góp phần kéo giảm các khoản chi phí vật tư khác, cùng với việc hạ lãi suất thời gian qua thì trong đợt giảm giá nhiên liệu lần này, các DN vận tải không thể làm ngơ việc giảm giá cước. |
QUỐC HÙNG – ĐÌNH LÝ