Sau khi giá nhiên liệu tăng - Doanh nghiệp cân nhắc việc tăng giá thực phẩm

Ngày 8-3, trả lời báo chí xung quanh việc tăng giá xăng dầu, hôm qua, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, giá xăng dầu tăng sẽ có tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 khoảng 0,85%, trong đó tác động gián tiếp đến các ngành sử dụng xăng dầu là 0,61%.

Ngày 8-3, trả lời báo chí xung quanh việc tăng giá xăng dầu, hôm qua, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, giá xăng dầu tăng sẽ có tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 khoảng 0,85%, trong đó tác động gián tiếp đến các ngành sử dụng xăng dầu là 0,61%.

Mức tăng giá xăng dầu này sẽ có những tác động nhất định đến sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính đang có nhiều giải pháp phối hợp với sở tài chính các tỉnh, thành phố để kiểm tra, kiểm soát nhằm không để xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý, “ăn” theo giá xăng dầu.

Để có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức một con số mà Chính phủ đã đưa ra, đồng thời giữ vững sự ổn định xã hội, Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, phải phấn đấu quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ mà Nghị quyết 01 của Chính phủ đề ra cho năm nay như bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ; thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ, giảm nhập siêu.

Trong đó, phải thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá thị trường, tạo cạnh tranh về giá, xóa bao cấp qua giá đối với hàng hóa, dịch vụ còn bao cấp qua giá vào thời điểm thích hợp với liều lượng hợp lý, phù hợp mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô gắn liền với các chính sách an sinh xã hội; thực hiện công khai, minh bạch giá các hàng hóa, dịch vụ như điện, than bán cho điện, xăng dầu, giá một số dịch vụ công như: dịch vụ khám chữa bệnh, học phí.

Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa dịch vụ độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá, chuyển giá, kiểm tra phương án giá, mức giá của hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá, đăng ký giá; những hàng hóa dịch vụ được Nhà nước đặt hàng sản xuất phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia, hàng hóa dịch vụ công ích, hàng hóa được trợ cước, trợ giá.

Ngoài ra, phải áp dụng có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ giảm chi phí sản xuất để kiềm chế tăng giá đầu ra như các biện pháp về thuế, tiết giảm chi phí quản lý 5% - 7% của các doanh nghiệp Nhà nước. Áp dụng có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá khi thị trường có những biến động bất động bất thường như: điều hòa cung cầu hàng hóa, tài chính - tiền tệ, kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật Nhà nước.

Một ngày sau khi xăng tăng thêm 2.100 đồng/lít, lượng hàng thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng tại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức ở TPHCM vẫn dồi dào; giá hầu hết các mặt hàng đều ổn định và có xu hướng giảm do thị trường đang trong mùa thấp điểm, sức mua rất chậm.

Giá một số mặt hàng thủy hải sản tại chợ Bình Điền giảm 3% - 30%; giá rau củ quả cũng giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Một số tiểu thương cho biết, sức mua quá chậm nên họ chưa dám cộng chi phí vận chuyển tăng vào giá bán vì thị trường hiện rất ảm đạm.

Trong ngày 8-3, mặt bằng giá các siêu thị chưa thay đổi. Đại diện các siêu thị cho biết, thông thường sau khi xăng tăng giá 1 - 2 tuần sau các nhà cung cấp mới đề nghị tăng giá.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Siêu thị MaxiMark Cộng Hòa, cho biết: “Các lần trước, siêu thị có thể dự đoán được mức tăng giá hàng hóa khi giá xăng tăng nhưng lần này rất khó đoán doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá bán như thế nào vì có quá nhiều yếu tố tác động đến quyết định tăng giá. Sau tết, nhiều doanh nghiệp đắn đo trước quyết định tăng giá vì hiện sức mua quá thấp, cung nhiều hơn cầu”.  

M. THI - T.T.X

Tin cùng chuyên mục