Sau kỳ nghỉ tết dài ngày: Người, xe ùn ùn đổ về TPHCM

Lượng người đổ về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sau Tết Bính Thân 2016 tăng đột biến đã gây ra tình trạng “cháy” vé tàu, xe chất lượng cao ở một số tỉnh, thành miền Trung. Tận dụng cơ hội, nhiều lái phụ xe đường dài ra sức chèo kéo, bắt khách dọc đường với giá vé tăng từ 1,5-2 lần so với giá vé niêm yết tại bến.
Sau kỳ nghỉ tết dài ngày: Người, xe ùn ùn đổ về TPHCM

(SGGPO). - Lượng người đổ về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sau Tết Bính Thân 2016 tăng đột biến đã gây ra tình trạng “cháy” vé tàu, xe chất lượng cao ở một số tỉnh, thành miền Trung. Tận dụng cơ hội, nhiều lái phụ xe đường dài ra sức chèo kéo, bắt khách dọc đường với giá vé tăng từ 1,5-2 lần so với giá vé niêm yết tại bến.

Giá xe tăng vọt

Bắt đầu từ sáng mồng 6 kéo dài đến trưa mồng 7 Tết Bính Thân 2016, hàng ngàn người dân ở các tỉnh, thành miền Trung tràn ra hai bên đường quốc lộ 1 đón xe vào Nam. 8 giờ sáng mồng 7, phóng viên Báo SGGP quyết định chọn địa điểm ngã ba Dạ Lê trên đường tránh quốc lộ 1 qua TP Huế, đón xe khách đi miền Nam. Dù đây là điểm đón xe khách tự phát nhưng có rất đông hành khách từ các huyện, thị vùng ven TP Huế hoặc các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Quảng Trị đứng đón xe Bắc – Nam.

Trời nắng nóng và khô hanh nhưng từng đoàn khách mang theo hành lý mặt mày phờ phạc vì thức trắng đêm ngóng xe. Anh Đoàn Văn Thanh, quê tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế đứng ngồi không yên sau 6 giờ liên tục vẫy xe đi Đồng Nai, cho biết, không mua được vé tàu nên mấy người hàng xóm mách nước, ra đường tránh bắt xe Bắc Nam. Cứ tưởng ngày mồng 7 xe khách thừa chỗ nhưng ai dè, xe khách nào qua đây cũng chật cứng người. Một số xe cho đi TP Hồ Chí Minh với giá 1,2 triệu đồng/vé nhưng chỉ còn ghế phụ, nên tui đành xuống chờ mãi đến giờ. Đến trưa cùng ngày, anh Thanh cùng nhiều người khách khác thất vọng phải quay trở về nhà vì không đón được xe hoặc bị nhà xe hét giá quá cao.

Đông đảo hàng khách ngóng chờ đi xe từ bến xe phía Nam TP Huế vào TP Hồ Chí Minh trong sáng mồng 7 Tết Bính Thân

Theo giá vé niêm yết tại các quầy bán vé ở Bến xe phía Nam TP Huế, giá vé sau Tết các tuyến ngắn và đường dài tăng dao động khoảng từ 20% - 60% so với ngày thường. Theo đó, các hãng đăng ký với giá vé bán ra từ 600.000-800.000 đồng/vé có bao ăn uống dọc đường cho tuyến Huế - TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, hành khách đón xe dọc đường bị các nhà xe “chặt chém” với giá cao ngất ngưởng.

Xe khách chạy tuyến Huế - TP Hồ Chí Minh vô tư dừng xe để bắt khách dọc theo quốc lộ 1

Tiếp tục ghi nhận tại khu vực ngã 3 phía Nam đường tránh Huế, ngã 3 La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho thấy, nhiều xe đường dài và cả một số xe xuất bến tại Huế vẫn dừng đỗ để đón bắt khách. Các phụ xe đều hét giá vé từ 1,2 đến 1,3 triệu đồng/vé giường nằm, còn hành khách nằm “giường phụ” giá khoảng 900.000 đến trên 1 triệu đồng/người. Đó cũng là tình cảnh tương tự tại các điểm đón xe tự phát vừa hình thành trên quốc lộ 1 sau Tết tại miền Trung.

Không bắt được xe dọc đường, nhiều người đã tìm đến bến xe phía Nam TP Huế để đặt mua vé. Song hầu hết các hãng xe giường nằm chấn lượng cao đặt phòng vé tại bến xe này, vé chiều đi từ Huế - TP Hồ Chí Minh đều đã bán hết trong vòng vài ngày tới. Cụ thể, hãng xe Phi Long bán hết vé đến ngày 18-2 (11 âm lịch), hãng Minh Phương, Tâm Minh Phương hết vé đến 20-2 (13 âm lịch)…

Nhiều xe còn quần thảo trái phép trong TP Huế bắt khách

Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Huế cho biết, khách đi vào miền Nam sớm hơn mọi năm nên đơn đã tăng cường đầu xe phục vụ tối đa. Trong đó, từ ngày mồng 5 đến Rằm tháng Giêng, đơn vị huy động 140 lượt xe các tuyến phục vụ hành khách, riêng tuyến Huế - TP Hồ Chí Minh có 30 lượt xe xuất bến, với một nửa số xe này là xe tăng cường (tăng gấp đôi so với ngày thường). Hiện các hãng xe chất lượng cao hầu như đã bán hết vé nên chúng tôi đang tiếp tục bán vé xe tăng cường phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao trong những ngày sau Tết, nhất là hành khách từ Huế đi TP Hồ Chí Minh… Lợi dụng nhu cầu đi lại hành khách tăng cao nên xe dù, bến cóc hoạt động rầm rộn đã ảnh hưởng đến chất lượng đi lại của hành khách sau dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt là tại huyện Quảng Điền, dù Công ty đã đưa vào hoạt động bến xe tại địa phương này hơn hai tháng nay với các tuyến đi TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, nhưng không có xe nào vào đăng ký hoạt động. Cách bến xe chỉ vài chục mét nhưng hàng chục xe dù vẫn đậu đón khách rất công khai.

Chiều cùng ngày, phóng viên Báo SGGP đã liên hệ với lãnh đạo các ga Đông Hà, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng… để mua vé đi TP Hồ Chí Minh nhưng bất thành. Bà Ngô Thị Thuyết, Trưởng phòng Khách vận ga Huế cho biết, vé tàu bán tại các ga ở miền Trung đi Sài Gòn đều hết từ mồng 4 đến ngày 12 tháng Giêng. Những khách có nhu cầu đi gấp, lãnh đạo Ga sẽ liên hệ trực tiếp với các trưởng tàu để bố trí thêm ghế ngồi phụ với giá bằng 80% giá vé từng toa cụ thể. Dù có khá nhiều hành khách chấp nhận phương án ngồi ghé phụ nhưng ga Huế cũng chỉ bố trí được một phần.

Tại Nghệ An, các điểm thường có lượng người đón xe đông, như: Giát (huyện Quỳnh Lưu), ngã ba Yên Lý (huyện Diễn Châu), Quán Hành (huyện Nghi Lộc)…, lượng người đón xe không đông. Theo một số người, ngày mùng 6 Tết tốt ngày, trong khi ngày mùng 7 Tết lại cận kề ngày đi làm, đi học nên nhiều người đi vào mùng 6 Tết. Một số tuyến xe cố định từ Vinh đi TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội đã hết vé. Bến xe Vinh đã tăng cường thêm 5 chuyến xe để phục vụ các tuyến này. Tại ga Vinh, vé tàu đi TPHCM trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến 15-2 không còn vé.

Phà quá tải, cửa ngõ TPHCM ùn ứ

Chiều tối 14-2, hàng trăm ngàn người dân tiếp tục đổ về TPHCM sau nhiều ngày nghỉ tết khiến các cửa ngõ TP quá tải. Trong đó, cửa ngõ phía Tây TP do chưa được mở rộng nên xảy ra kẹt xe nghiêm trọng. Tình trạng ùn ứ bắt đầu xảy ra từ 15 giờ chiều và đến khoảng 18 giờ cùng ngày thì cửa ngõ này bị kẹt trầm trọng do lượng xe máy, xe khách đổ về quá đông. Dòng xe kéo dài khoảng 3km trên quốc lộ 1, đoạn từ nút giao thông Bình Thuận, huyện Bình Chánh đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân xe cộ chen chúc nhau di chuyển rất chậm. Trong khi đó tại Bến xe miền Tây, xe đò liên tục về bến và xuất bến để rước khách từ các tỉnh, thành về lại TP sau kỳ nghỉ tết. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP lúc 10 giờ sáng cùng ngày, tại bến xe này nhiều nhà xe vừa xuống khách xong lại cho xe quay đầu chưa kịp làm vệ sinh và kiểm tra xe. Trong ngày 14-2, lượng hành khách về thông qua Bến xe miền Tây đạt trên 50.000 lượt khách.

Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long), lượng xe từ các tỉnh miền Tây về hướng TPHCM tăng mạnh nhưng không bị ùn tắc là do CIPM Cửu Long vừa xây dựng, mở rộng thêm 5 làn thu phí ở 2 trạm thu phí. Ngoài ra còn tăng thêm 2 làn phát thẻ để vào đường cao tốc cho tài xế ở trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa. Trạm đã bố trí nhân viên đứng bấm thẻ đưa trực tiếp cho tài xế để rút ngắn thời gian dừng tại trạm, thời gian xe dừng được rút ngắn nên cũng không xảy ra ùn tắc.

Hàng ngàn người chờ qua phà Cát Lái hướng từ Đồng Nai về TPHCM (Ảnh: QUỐC HÙNG)

Tại cửa ngõ phía Đông TPHCM, nút giao An Phú (nút giao đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tiếp giáp đường Nguyễn Hữu Thọ) và xa lộ Hà Nội đã xảy ra ùn ứ nghiêm trọng, kéo dài hàng giờ. Trong đó, xe ùn ứ lâu nhất là nút giao An Phú do lượng xe từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc đổ về TP quá lớn. Ngoài ra, do lượng phương tiện dồn về cảng Cát Lái (quận 2) cùng với lượng hành khách lưu thông qua hướng phà Cát Lái tăng cao khiến phương tiện lưu thông rất chậm. Ghi nhận vào chiều14-2 tại phà Cát Lái, phía bờ Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, lượng khách qua phà để về TPHCM rất đông. Hàng ngàn người dân đi xe máy nối đuôi nhau chờ qua phà. Để người dân qua phà nhanh, nhân viên phà Cát Lái ra đường cách phà khoảng 200m để bán vé nhằm giải tỏa lượng hành khách. Theo Xí nghiệp Quản lý phà Thanh niên xung phong Cát Lái, trong ngày 14-2, có khoảng 90.000 lượt người qua phà. Đơn vị đã tăng cường thêm nhân viên, phương tiện... để giải tỏa lượng khách trong các ngày cao điểm sau tết.

Tại bến xe miền Đông sáng sớm cùng ngày, xe khách các tuyến miền Trung, miền Bắc tấp nập đổ về bến. Mặc dù lượng người về bến đông nhưng không xảy ra ùn ứ. Tuy nhiên, các tuyến đường như Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn kéo dài từ ngã tư Hàng Xanh, Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), giao thông bị ùn ứ kéo dài, dù có lực lượng cảnh sát giao thông túc trực để điều tiết hướng dẫn giao thông.

Kẹt xe trên quốc lộ 1

Trong ngày 14-2, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao trên quốc lộ 1 nên đã xảy ra ùn ứ và kẹt xe cục bộ một số khu vực thuộc hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Trong chiều tối 14-2, tình trạng ùn tắc giao thông đoạn qua trạm thu phí Sông Phan (Bình Thuận) khá trầm trọng khi hàng ngàn xe khách, xe hơi nối đuôi nhau gần 2km để chờ mua vé qua trạm thu phí. Ghi nhận trên quốc lộ 1, đoạn từ huyện Hàm Thuận Nam qua huyện Hàm Tân (Bình Thuận) kéo dài đến huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), do xe máy rồng rắn hàng đoàn trên đường cùng song hành với xe khách, xe tải, xe hơi, nên từng phương tiện giao thông phải nhích từng chút một. Tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai), nơi có hai tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 20 đi ngang qua, cũng là cửa ngõ vào vùng Đông Nam bộ nên người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến.

***

Theo tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, riêng trong ngày 14-2, đường dây nóng của ủy ban đã nhận được 44 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách. Cảnh sát giao thông các địa phương sau khi nhận phản ánh đã bố trí lực lượng dừng xe, kiểm tra và xử lý nghiêm nhiều trường hợp nhà xe vi phạm. Đồng thời, lực lượng Thanh tra giao thông và các bến xe tại địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm nhiều xe phụ thu giá vé cao hơn so với quy định, hoạt động không có phù hiệu hoặc không có phiếu xuất bến. Bên cạnh đó, cán bộ trực đường dây nóng nhiều lần liên hệ trực tiếp với các nhà xe yêu cầu lái xe và phụ xe hoàn trả tiền đã thu trái quy định cho hành khách ngay trên xe…

Ngày 14-2, theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, trong 9 ngày nghỉ tết, toàn quốc xảy ra 408 vụ tai nạn, làm 300 người chết, 380 người bị thương, chủ yếu là tai nạn giao thông đường bộ, trong đó, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 2 vụ làm 6 người chết và 14 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 128 vụ, giảm 17 người chết, giảm 129 người bị thương.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục