Sau Monsanto, đến lượt Dow Chemicals từ chối gặp Len Aldis

Ngày 5-5, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt Len Aldis đã tới văn phòng đại diện của Công ty Dow Chemicals tại tòa nhà Saigon Riverside, Tôn Đức Thắng, TPHCM để gặp người đại diện của công ty này với mong muốn được trao đổi về vấn đề chất độc da cam (CĐDC) tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng giống như Monsanto năm 2009, các nhân viên của Dow Chemicals đã cáo lỗi với ông Len Aldis rằng “người đại diện của Dow hiện không có mặt tại TP”.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Len Aldis cho biết, trước khi sang Việt Nam, ông đã gửi một lá thư yêu cầu về một cuộc đối thoại tại văn phòng Dow Chemicals tại Việt Nam. Sau đó, ông Len đã nhận được thư hồi đáp mà theo ông là khi đọc “ông không thể nhịn được cười”. Thư hồi đáp có đoạn: “Chất độc da cam là vấn đề của tập đoàn và chúng tôi không có đủ thẩm quyền trả lời…” và gợi ý “liên lạc với ông Peter Paul van de Wijs, người đứng đầu các vấn đề về chính phủ và chính sách công toàn cầu” của Dow Chemicals tại Canada. Theo ông Len, đây chỉ là một cách né tránh về vấn đề CĐDC của Dow Chemicals.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt vẫn quyết định đến văn phòng của Dow Chemicals. Tại đây, các nhân viên của Dow Chemicals tiếp tục yêu cầu ông Len liên hệ với văn phòng của họ ở Thụy Sĩ để nhận được câu trả lời, rồi gửi cho ông Len một tờ giấy photo mà ông Len coi đây là “tuyên bố” của Dow Chemicals về vấn đề CĐDC.

Ông Len nói: “Mới đọc qua tuyên bố này, tôi không thể kìm nổi sự tức giận. Đây là một tuyên bố hoàn toàn không trung thực. Những nạn nhân CĐDC Việt Nam cũng như các cựu chiến binh của Mỹ chắc chắn sẽ có cùng cảm xúc giống tôi”.

Sự “không trung thực” của Dow Chemicals thể hiện rất rõ trong tuyên bố của công ty này: “Để ngăn cản các cuộc tấn công và bảo vệ quân Mỹ, lực lượng đồng minh, quân đội Mỹ quyết định nghiên cứu loại hóa chất có thể làm rụng lá các khu rừng ở miền Nam Việt Nam, rồi phát triển và sử dụng CĐDC, một loại thuốc diệt cỏ. Sản phẩm này được sản xuất dựa trên công thức để dùng trong hoạt động quân sự. Dư luận tập trung sự quan tâm vào CĐDC bởi sản phẩm phụ được sinh ra trong quá trình sản xuất CĐDC. Thành phần không thể tránh trong quá trình sản xuất CĐDC đó là chất dioxin độc hại bao gồm 2,3,7,8-TCDD (dạng dioxin độc hại nhất dioxin 2,3,7,8 - tetra-chlorodibenzo-p-dioxin, viết tắt là 2,3,7,8 TCDD)…

Các nghiên cứu khoa học về CĐDC được bắt đầu kể từ sau chiến tranh Việt Nam đến ngày nay. Đã có những cuộc nghiên cứu trên các cựu chiến binh bị ảnh hưởng bởi CĐDC. Và kết luận dựa trên những bằng chứng thu thập từ các nghiên cứu trên chỉ ra rằng, CĐDC không phải là nguyên nhân sinh ra bệnh tật cho các cựu chiến binh”.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Len cho biết việc một trong những công ty phải chịu trách nhiệm cho những tội ác đã gây ra cho các thế hệ người Việt Nam đưa ra tuyên bố đi ngược lại sự thật về tác hại của CĐDC cho thấy cuộc chiến đi tìm công lý cho các nạn nhân CĐDC Việt Nam không hề dễ dàng. Nhưng ông Len khẳng định: “Dù khó khăn đến đâu, chúng ta cũng phải tìm ra chân lý trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi cho các nạn nhân CĐDC Việt Nam”.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục