Đoàn văn nghệ sĩ TPHCM vừa kết thúc chuyến đi thực tế 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên với kết quả ngoài mong đợi. Xin được “bật mí” ngay, đây là đoàn đi thực tế không từ nguồn kinh phí nhà nước tài trợ mà do từng thành viên đóng góp.
Đoàn gồm nhà văn Hoàng Đình Quang, nhà thơ Lệ Bình, họa sĩ Lê Sa Long, ca sĩ Kim Thủy, nữ nhà thơ Thanh Tùng và cây viết phê bình trẻ Trần Huyền Nhung. Nhà thơ Lệ Bình làm trưởng đoàn. Sau 7 ngày rong ruổi qua các “địa chỉ đỏ” và giao lưu với văn nghệ sĩ hai tỉnh đã để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng từng thành viên. Qua kết quả này, chúng tôi liên tưởng tới nhiều điều đáng suy nghĩ.
Trước hết, các văn nghệ có nhu cầu muốn thâm nhập thực tế cần phải có chút tiền. Nếu cứ ngồi chờ được mời dự trại viết hoặc tham quan từ tiền của công quỹ thì cảm xúc có khi cũng phải chờ đợi theo. Vì vậy, nên chăng các văn nghệ sĩ khát khao đi thực tế để tạo cảm hứng sáng tác thì cách nhanh nhất là vận động nhau bỏ tiền túi đóng góp để lên đường cho tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản, kịp thời.
Thứ hai, khi về cơ sở chúng tôi được đón tiếp rất nhiệt tình và hỗ trợ những gì địa phương có thể giúp. Về đất Quy Nhơn - Bình Định, đoàn đã được Hội Văn học nghệ thuật dành nửa buổi để trao đổi và giao lưu với một số văn nghệ sĩ trong tỉnh. Trước đó, chúng tôi đã được nhà văn Lê Hoài Lương, họa sĩ Nguyễn Đình Phúc, nhà thơ Trần Viết Dũng dẫn đường và thay luôn hướng dẫn viên du lịch về tham quan lấy tư liệu “sống” tại Bảo tàng Quang Trung thuộc huyện Tây Sơn. Nếu không đến đây làm sao chúng tôi có thể sờ tay vào lớp vỏ xù xì của cây me 300 tuổi xanh vòm cổ thụ trầm tư đứng cạnh đền thờ vua Quang Trung. Làm sao chúng tôi được múc những gầu nước trong vắt từ giếng vua để rửa mặt.
Theo người dân ở đây, nước giếng vua rửa mặt có thể xóa được mụn. Và còn nhiều điều gợi mở khác. Như phía trên đầu mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử có tượng đức mẹ Maria và trên mộ có hình chữ thập. Vòng quanh mộ được trồng nhiều loại hoa góp hương thơm. Chúng tôi dừng lại hồi lâu bên những cây thông non lá reo vi vút như đang “tiếp sóng” thơ ông…
Thăm Nhà lưu niệm thi sĩ Xuân Diệu - xây dựng ngay tại nơi nhà thơ cất tiếng chào đời, chúng tôi được tặng những tờ rơi giới thiệu vắn tắt về thân thế và sự nghiệp của nhà thơ. Nơi này hàng ngày được học sinh Trường THPT số 2 Tuy Phước thay nhau chăm sóc. Cảm động trước tình cảm của lứa tuổi áo trắng, chúng tôi càng nhớ câu nói nằm lòng của ông “nhà thơ không có tuổi”.
Rồi được thắp nhang tại từ đường nghệ sĩ tuồng nổi danh Quách Tấn và chụp hình với cây vạn tuế đã có tuổi đời mấy trăm năm. Lớp con cháu hậu duệ của ông rất bất ngờ và cảm động khi có đoàn văn nghệ sĩ từ thành phố mang tên Bác ra đây thăm viếng. Đặc biệt ấn tượng là đêm giao lưu với Câu lạc bộ văn học Xuân Diệu. Đây là lần sinh hoạt thứ 200 kể từ ngày câu lạc bộ ra đời cách nay 21 năm. Hầu hết các nhà văn, nhà thơ của địa phương đều là hội viên của câu lạc bộ. Kể cả những nhà thơ cao tuổi như chị Lệ Thu. Đêm ấy, trời đổ mưa như trút nhưng các hội viên và những bạn trẻ thuộc tuổi áo trắng vẫn kéo đến rất đông.
Chúng tôi còn được biết, câu lạc bộ cũng từng giao lưu với nhiều nhà văn, nhà thơ mỗi khi về thăm Quy Nhơn - Bình Định. Thật cảm động và bất ngờ, ngay tại buổi giao lưu này, các thành viên trong đoàn được mời lên trao thẻ Hội viên danh dự. Chủ nhiệm Trần Quang Khanh còn cho biết, câu lạc bộ đã kết nạp nhiều hội viên danh dự là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở nhiều tỉnh thành khác. Thu hoạch bên lề chuyến đi, nhà thơ Lệ Bình, tác giả lời thơ ca khúc Thành phố mười mùa hoa và Tia nắng hạt mưa còn được anh Mai Thìn phụ trách văn nghệ của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định “bắt cóc” phỏng vấn để phát sóng…
Tiếp nối lịch tham quan, chúng tôi rời Quy Nhơn về Tuy Hòa - Phú Yên. Khi bước xuống xe đò, chúng tôi đã được nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên đưa xe ra đón về hội. Anh đã đưa chúng tôi tham quan nửa vòng thị xã và chạy qua cây cầu mới rất đẹp bắc qua sông Ba mang tên Hùng Vương, cách cây cầu Đà Rằng cũ không xa. Sáng hôm sau, chúng tôi được đưa đi tham quan một số nơi nổi tiếng như ghềnh Đá Dĩa, đầm Ô Loan, Tháp Nhạn… Thời gian còn lại rất ngắn nhưng những gì cần tìm hiểu vẫn được đáp ứng. Sở dĩ chúng tôi muốn dẫn chứng hơi nhiều chi tiết để đi đến câu kết: Rằng cơ sở luôn sẵn lòng đón tiếp văn nghệ sĩ nói chung và nhà văn nói riêng.
Dù không phải nộp bài ngay như các trại viết nhưng các nhà văn, nhà thơ cũng đã trao đổi về dự định sáng tác của mình sau chuyến đi. Hy vọng giới văn nghệ sĩ hàng năm sẽ tổ chức được nhiều chuyến đi thực tế theo mô hình “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Duy Linh