Hãng AFP ngày 14-2 đưa tin, chỉ 2 ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử hạt nhân, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã cho ra mắt các tên lửa hành trình và tuyên bố các tên lửa này có khả năng tấn công mọi mục tiêu trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên).
Đưa Triều Tiên trở lại danh sách tài trợ khủng bố
Trong buổi họp báo tại thủ đô Seoul, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã cho chiếu đoạn băng vụ phóng “bộ đôi” tên lửa hành trình bắn từ tàu ngầm và tàu chiến. Thiếu tướng Ryu Young-jeo cho biết, mục đích buổi công chiếu nhằm chứng tỏ khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Hàn Quốc và xoa dịu quan ngại của người dân sau vụ thử hạt nhân cách đây 3 ngày của Triều Tiên.
Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Hàn Quốc cho triển khai hàng loạt tên lửa, đồng thời tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc phát triển các tên lửa đạn đạo tầm xa có thể tấn công bất cứ địa điểm nào trên lãnh thổ Triều Tiên để đáp trả các hành động gần đây của Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, Quốc hội Hàn Quốc cũng thông qua nghị quyết lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân lần 3 của Triều Tiên. Nghị quyết trên được thông qua trong phiên họp toàn thể với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối: 183 phiếu thuận và 2 phiếu trắng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Yu Woo-ik cho biết, Seoul không có ý định đưa Khu công nghiệp liên Triều Kaesong vào diện chịu lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên do vụ thử hạt nhân lần thứ ba ba của Bình Nhưỡng.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm của Mỹ Leon Panetta tuyên bố, Washington sẽ làm mọi việc cần thiết để thực hiện những cam kết an ninh đối với các đồng minh Đông Á. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Barack Obama cam kết sẽ kiên quyết bảo vệ đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc bằng “ô hạt nhân”.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Abe tuyên bố ông có ý định yêu cầu Mỹ đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước bảo trợ khủng bố và tăng cường trừng phạt tài chính sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế. Phát biểu trong phiên họp Quốc hội, ông Abe nêu rõ: “Điều hết sức quan trọng là phạm vi Mỹ tăng cường trừng phạt tài chính lớn đến đâu, vì vậy Nhật Bản sẽ cần phải vận động hành lang với Mỹ”.
Muốn đàm phán với Mỹ?
Theo hãng tin AP, vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên có thể không nằm ngoài mục đích muốn Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. Bình Nhưỡng cũng muốn thu hút sự chú ý của thế giới, là một lời nhắc nhở với thế giới rằng nước này tuy là quốc gia nghèo nhưng có sức mạnh có thể làm đảo lộn an ninh và sự ổn định trong khu vực. Bình Nhưỡng muốn trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Mục đích mà Bình Nhưỡng muốn đạt được là buộc Washington phải đối xử với Triều Tiên ngang hàng, như một cường quốc hạt nhân và Triều Tiên sẽ có được lá bài mặc cả với Mỹ.
Tuy nhiên, vụ thử hạt nhân này đã làm khu vực Đông Bắc Á rơi vào bất ổn. Trung Quốc - đồng minh thân cận của Triều Tiên đã tỏ rõ thái độ “không thể kiên nhẫn” hơn nữa đối với Triều Tiên. Tân Hoa xã đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng triệu tập đại sứ Triều Tiên tại Bắc Kinh, Ji Jae-ryong, để phản đối vụ thử hạt nhân. Ông Dương kêu gọi Triều Tiên quay lại bàn đàm phán và đối thoại. Ngoài Trung Quốc, Anh cũng triệu tập đại sứ Triều Tiên tại London sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân.
|
THANH HẰNG (tổng hợp)