TPHCM có khoảng 150.000 doanh nghiệp (DN), số lao động nữ đang làm việc trong các loại hình DN khoảng gần 1 triệu người (chiếm 43% tổng số lao động đang làm việc). Nay, chị em công nhân không còn nỗi lo chủ nhà trọ tăng giá “té nước theo mưa”; mỗi khi tăng ca, họ yên tâm hơn vì con được đưa đón, chăm sóc; lúc đau bệnh, họ ấm lòng vì luôn được chăm sóc...
Mái nhà chung
16 giờ, bà Nguyễn Thị Thu Tuyết, Chủ nhiệm CLB Nữ chủ nhà trọ Khu phố 1, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức lại tất bật đón các cháu bé ở trường mầm non về nhà trọ. Chẳng phải con cháu trong nhà nhưng bà chăm bẵm tắm rửa, thay quần áo, đút cho từng bé ăn, ru các bé ngủ… Biết đồng lương CN eo hẹp, bà thường chia sẻ khó khăn với các nữ CN thuê trọ như không lấy tiền nhà, điện nước khi họ chưa có việc làm; cho trả góp tiền phòng trọ; cho mượn tiền không lấy lãi… Còn cách hỗ trợ của bà chủ nhà trọ Trần Thị Mai, Chủ nhiệm CLB Nữ chủ nhà trọ khu phố 1, phường Linh Trung, quận Thủ Đức thì đúng kiểu của phụ nữ: Bà thành lập mô hình tiết kiệm tự nguyện, vận động các bạn nữ thanh niên nhà trọ tham gia. Nhóm hiện có 19 thành viên, với tổng số tiền tiết kiệm gần 36 triệu đồng. Mỗi người có một sổ tiết kiệm riêng, góp tiền hàng tháng. Sau khi thu, bà Mai gửi ở ngân hàng, cuối năm, chị em nào cũng để dành thêm được mấy triệu đồng mang về quê. Đây cũng là hai trong số 12 chủ nhà trọ được kết nạp Đảng.
Bà Trần Kim Yến, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM cho biết, toàn TP có gần 65.400 hội viên Hội LHPN trong các mô hình khu nhà trọ “Xanh - sạch - đẹp”, nhà trọ “Văn minh - nghĩa tình”, “Nhà trọ văn hóa”… TP có 145 CLB Nữ chủ nhà trọ với hơn 4.000 thành viên. Các chủ nhà trọ này đã xóa nỗi ám ảnh tăng giá nhà trọ cho nữ CN; giúp nữ CN yên tâm mỗi khi tăng ca vì con cái đã được đưa đón, chăm sóc tận tình; san sẻ chia khó, chăm sóc nữ CN lúc ốm đau... Ngoài ra, CLB nữ công nhân nhập cư với hơn 8.300 thành viên cũng đang hoạt động hiệu quả ở các KCX, KCN.
Làm thế nào để chọn thực phẩm ngon - rẻ - bổ? Làm sao để phân biệt thực phẩm an toàn và không an toàn? Làm cách nào để chỉ cần từ 50.000 đến 70.000 đồng là có thể mua thức ăn cho cả ngày mà vẫn đầy đủ dinh dưỡng? Các nữ thanh niên DN được bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đến tận công ty chỉ cách đi chợ để chọn thực phẩm an toàn, đủ chất khi CN phải lao động cả ngày. Các nữ công nhân chia sẻ, trong khi thực phẩm “bẩn” tràn lan, đồng lương công nhân vốn không mấy dư dả, các buổi trao đổi như thế giúp nữ công nhân có cái nhìn chính xác, khoa học hơn để lựa chọn, chế biến bữa ăn hàng ngày cũng như ý thức được những nguy cơ từ thức ăn đường phố.
Vươn lên để thay đổi
Sau giờ tan ca, CN Nguyễn Thị Thùy Linh (33 tuổi, Công ty Juki - KCX Tân Thuận, quận 7) lại hớt hải ghé Trường ĐH KHXH-NV TPHCM học đến gần 21 giờ. 15 năm trước, từ Long An, Linh lên TPHCM làm CN. Ban đầu, Linh tính làm tạm thời kiếm chút tiền rồi trở lại trường học. Ai dè, gia đình khó khăn, việc nọ nối việc kia xảy ra cứ níu chân Linh trong công việc khiến cô không dứt ra đi học được. Cách đây 3 năm, biết Quỹ hỗ trợ CN TPHCM có chính sách cho CN vay vốn đóng học phí, Linh quyết định ôn luyện khối D và thi vào Khoa Đông phương học, Trường ĐH KHXH-NV. Những lo lắng của Linh cũng được san sẻ phần nào khi cô giành được học bổng từ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên CN, không cần phải vay tiền đóng học phí. Cách đây 1 năm, biết Linh đang theo học chuyên ngành tiếng Nhật, ngành nghề phù hợp với nhu cầu DN, Công ty Juki đã chuyển Linh từ CN trực tiếp sản xuất sang bộ phận kinh doanh, văn phòng. Ở vị trí mới, Linh thường xuyên tiếp xúc với khách hàng và trau dồi vốn tiếng Nhật; thu nhập cũng được cải thiện. “30 tuổi mới đi học ĐH, mình cũng đấu tranh dữ dội lắm. Lúc trước khó khăn, buộc phải tạm dừng học hành đã đành. Bây giờ được TP quan tâm, hỗ trợ như thế, nếu không thu xếp đi học thì biết bao giờ mới học được đây”, Linh chia sẻ về động lực giúp Linh vượt qua vất vả, tiếp tục học tập.
Nhờ tích cực học tập, vươn lên, chị Trần Thị Thanh Tuyền (29 tuổi, Công ty TNHH Supersoft Việt Nam) trở thành 1 trong 109 công nhân nằm trong chương trình quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ CN của Thành ủy TPHCM. Hiện chị Tuyền đã hoàn thành khóa học kỹ năng quản lý và đang tiếp tục học Cao cấp chính trị. Nói về bước ngoặt mới, chị Tuyền chia sẻ, niềm vinh dự đó thật bất ngờ. Bởi đi làm, chị lựa chọn DN ngoài nhà nước. Không ngờ, TP luôn quan tâm và trao cho chị vinh dự. Dù hiện tại thu nhập sụt giảm và chưa biết sắp tới sẽ được phân công về đâu nhưng chị Tuyền bày tỏ, hoàn toàn tin tưởng vào sự phân công của tổ chức và sẵn sàng phục vụ nhân dân.
| |
ĐƯỜNG LOAN - HỒNG HIỆP