Sẽ cho phá sản các tổ chức tín dụng yếu kém

Nợ xấu vẫn còn 4,03%
Sẽ cho phá sản các tổ chức tín dụng yếu kém

* Tín dụng TPHCM năm 2015 tăng trưởng 15,6%

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Phước Thanh đã nhấn mạnh thông tin trên tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2016 được tổ chức tại TPHCM ngày 15-1.

Trong năm 2016, NHNN tiếp tục tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, kiên quyết đẩy mạnh việc mua bán, sáp nhập các ngân hàng yếu kém trên tinh thần ưu tiên sự tự nguyện, nhưng khi cần thiết, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp can thiệp trực tiếp nhằm ổn định thị trường. Trước mắt, cơ quan này sẽ xem xét cho phá sản trước các quỹ tín dụng, các công ty tài chính làm ăn kém hiệu quả để thị trường quen dần và sau đó sẽ tiến đến cho phá sản các ngân hàng nếu các ngân hàng không tự xử lý được khó khăn.

Tín dụng năm 2015 trên địa bàn TPHCM đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 5 năm qua. Ảnh: CAO THĂNG

Nợ xấu vẫn còn 4,03%

Báo cáo tình hình hoạt động ngành ngân hàng tại TPHCM trong năm 2015, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM Tô Duy Lâm cho biết, tính đến cuối tháng 11-2015, tổng nợ xấu của các ngân hàng vẫn còn 47.600 tỷ đồng, chiếm 4,03% tổng dư nợ trên địa bàn. Đánh giá nợ xấu đặt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và sự chuyển biến từ các thị trường cũng như từ chính sách hoạt động ngân hàng, ông Lâm cho rằng việc xử lý nợ xấu và diễn biến của nợ xấu tại TPHCM là tích cực. Lý giải tỷ lệ nợ xấu tại TPHCM vẫn trên 3% mặc dù so với cuối năm 2014, nợ xấu tại TPHCM đã giảm 15,6%, tương ứng với 8.835 tỷ đồng, ông Tô Duy Lâm cho biết, nợ xấu hiện tập trung vào nhóm chi nhánh ngân hàng cổ phần có hội sở chính ngoài địa bàn TPHCM. Theo ông Tô Duy Lâm, đây là các khoản nợ xấu rất khó xử lý, liên quan đến vụ án và gắn liền với quá trình tái cơ cấu hoạt động của các ngân hàng này. Do đó, nếu trừ mức nợ xấu của 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng (GPBank, VNCB và Ocean Bank có tổng vốn nợ xấu lên đến 20.399 đồng, chiếm đến 42,6% nợ xấu trên địa bàn) thì tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 2,3%.

Ông Tô Duy Lâm cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2015 trên địa bàn TPHCM đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua, tăng 15,6%. Diễn biến này chủ yếu do những chuyển biến tích cực từ kinh tế vĩ mô, từ hoạt động của DN và các thị trường đã tốt hơn nhiều so với trước đây. Trong đó, tín dụng tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh, chiếm khoảng 80% tổng dư nợ. Tín dụng trung và dài hạn tăng cao, chiếm tỷ trọng cao hơn tín dụng ngắn hạn. Theo đó, dư nợ tín dụng trung và dài hạn cuối năm 2015 đạt khoảng hơn 711.000 tỷ đồng, tăng 28,7% và chiếm 57,6% trong tổng dư nợ tín dụng. “Đây là sự khác biệt so với những năm trước đây, tín dụng trung và dài hạn luôn chiếm khoảng 45% và có tốc độ tăng trưởng thấp hơn tín dụng ngắn hạn” - ông Lâm nhận định.

Ngân hàng TMCP Á Châu xử lý tốt nợ quá hạn, còn dưới 1,3%. Ảnh: KIM NGÂN

Về phía các ngân hàng thương mại, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cũng cho biết, nhờ các chính sách điều hành tốt mà tăng trưởng tín dụng ngân hàng này trong năm 2015 tăng 15%, nợ quá hạn dưới 1,3%. Riêng việc xử lý nợ quá hạn trong năm 2015 của ngân hàng khá tốt. Tuy nhiên, ông Toàn cũng cho rằng hiện việc xử lý nợ xấu liên quan đến tài sản thế chấp vẫn còn kéo dài do quá trình thi hành án kéo dài, khi có bản án thì người vay lại không hợp tác… gây nhiều khó khăn cho ngân hàng. Theo đó, ông Toàn kiến nghị cần có sự phối hợp giữa các ban ngành để đẩy nhanh công tác xử lý nợ trong thời gian tới. Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB Nguyễn Đình Tùng cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng của OCB trong năm 2015 đạt trên 19% và sẽ còn tăng hơn nữa nếu không bị hạn chế. Trong đó, nợ xấu của OCB trong năm qua cũng đã kéo xuống ở mức 1,9%. Theo ông Tùng, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý nợ xấu thông qua việc bán nợ cho Công ty VAMC chỉ là “giấu nợ xấu trên sổ sách” nhưng thực tế rất hiệu quả đối với OCB. Cụ thể, trong năm 2015, OCB đã bán cho VAMC khoảng 800 tỷ đồng nợ xấu và phối hợp với cơ quan này để thu hồi nợ ở mức tương tương. Theo đó, trong năm 2015, OCB cũng đã tiến hành thu hồi được hơn 1.300 tỷ đồng nợ xấu.

Sẽ kiểm soát chặt tín dụng bất động sản

Đánh giá kết quả hoạt động của ngành ngân hàng TPHCM trong năm 2015, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn, nhưng ngành ngân hàng TPHCM đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt là thanh khoản ngân hàng được cải thiện đáng kể. “Những năm trước đây, trong thời điểm này các ngân hàng đang cuống cuồng lo thanh khoản thì nay thanh khoản của các ngân hàng rất tốt. Điều này cũng được thể hiện qua tỷ lệ cho vay trên huy động của ngân hàng đã xuống còn 80% so với tỷ lệ luôn ở mức 100% trong những năm trước” - ông Nguyễn Phước Thanh nhận định.

Năm 2016 dự báo là năm bắt đầu giai đoạn phát triển mới, NHNN chi nhánh TPHCM đưa ra chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2016 sẽ tăng trưởng khoảng 16% - 18%, huy động khoảng 17% - 19%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và kết quả kinh doanh tăng trưởng dương và cao hơn 2015. Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho biết, định hướng ngành ngân hàng trong năm 2016 tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của nhà nước, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhưng đi đôi với chất lượng và kiểm soát nợ xấu. Trong đó, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh lĩnh vực bán lẻ nhưng kiểm soát chặt tín dụng với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các khoản cho vay dài hạn như các dự án BOT nhằm hạn chế rủi ro. Các ngân hàng cần có những giải pháp quyết liệt trong việc nâng cao năng lực tài chính, quản trị… để đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi mới. Ông Thanh cũng cho biết, hiện một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như tư nhân đang gặp rất nhiều khó khăn. Không ít các đơn vị này đã gửi yêu cầu khẩn cấp đến NHNN xin cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất hoặc cho vay mới, nếu không sẽ phá sản. “Chính vì thế việc kiểm soát cho vay bất động sản và những dự án dài hạn là những vấn nạn mà các ngân hàng cần quan tâm để tránh rủi ro và tránh những hệ lụy liên quan” - ông Thanh nhấn mạnh.

 Theo NHNN chi nhánh TPHCM, tăng trưởng tín dụng tại TPHCM đến cuối năm 2015 đạt 1.234.816 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cuối năm 2014. Tổng huy động vốn trên địa bàn năm 2015 đạt 1.566.876 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cuối năm 2014. Tiền gửi tiết kiệm tăng 13,35% và chiếm 52,26% trong tổng huy động vốn của ngân hàng.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục