Theo ý kiến của Chủ tịch UBND TPHCM, hiện tại thành phố chưa có đề án xây dựng đô thị thông minh, chưa có đô thị sáng tạo phía Đông, chưa có quy hoạch không gian ngầm, cũng như nhiều hạng mục khác… chính vì vậy, bây giờ muốn điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung thì thành phố phải điều chỉnh quy hoạch kinh tế-xã hội vốn đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt từ năm 2013 sau đó mới điều chỉnh các quy hoạch ngành. Tại hội nghị diễn ra vào tháng 3-2018 với nội dung về công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM, Sở QH-KT cho biết, một trong những nội dung quan trọng trong điều chỉnh quy hoạch chung lần này là rà soát, lựa chọn hướng ưu tiên phát triển cho thành phố. Trong đó sẽ đẩy mạnh phát triển về hướng Đông với trọng tâm tập trung đầu tư hình thành khu đô thị sáng tạo nằm trên địa bàn các quận 2, quận 9 và Thủ Đức. Nếu phát triển về hướng Tây Bắc sẽ được nghiên cứu kỹ bởi trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, khu vực Tây Bắc có địa hình cao, địa chất tốt, thuận lợi cho phát triển đô thị. Còn phát triển về hướng Nam vẫn tiếp tục thực hiện theo quy hoạch hiện có nhưng lưu ý về mức độ và hình thái phát triển đô thị để thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tình hình sụt lún đất của khu vực này. UBND thành phố cũng đã chấp thuận chủ trương cho Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.
Hạ tầng khu Đông đang ngày một phát triển
Được biết, cũng trong khuôn khổ này, Sở QH-KT đang tổ chức hội thảo chuyên ngành nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, kiến trúc sư về việc xây dựng đô thị sáng tạo TPHCM làm tiền đề để nghiên cứu, xem xét, lập quy hoạch và xây dựng đô thị sáng tạo phía Đông của thành phố (gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức). Dự kiến các mục tiêu xây dựng đô thị sáng tạo phía Đông trong giai đoạn 2018-2020 được xác định bao gồm như: Đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trọng điểm để liên kết các khu vực quan trọng trong khu đô thị sáng tạo; đầu tư phát triển các khu vực quan trọng trong khu đô thị sáng tạo; khu vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến; khu vực giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao; Khu vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao. Đồng thời có các khu y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, nghỉ ngơi - giải trí khu đô thị mới Thủ Thiêm với khoảng 3 triệu mét vuông sàn hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, bán lẻ và công trình văn hóa, các khu không gian công cộng rộng lớn…
Đến thời điểm này TPHCM đã có 3 đồ án quy hoạch chung xây dựng được lập và phê duyệt: “Quy hoạch tổng thể xây dựng TPHCM đến năm 2010” (gọi tắt là quy hoạch 1993), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 20-TTg ngày 16-1-1993. “Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2020” (gọi tắt là quy hoạch 1998) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10-7-1998. “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025” (gọi tắt là quy hoạch 2010) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010.