Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Toàn:
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) đang tiến hành rà soát và xem xét điều chỉnh lại toàn bộ quy hoạch đô thị trên toàn địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT, khẳng định những quy hoạch không khả thi, gây bức xúc cho dân sẽ được điều chỉnh.
Cần chính sách công bằng hơn với người dân trong khu vực quy hoạch
° PHÓNG VIÊN: Thưa ông, mục tiêu rà soát lại quy hoạch phát triển đô thị lần này là gì, người dân được gì?
° Ông NGUYỄN THANH TOÀN: Rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch theo định kỳ là công tác thường xuyên của cơ quan quản lý quy hoạch đô thị đã được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2013. Riêng với lần rà soát này còn là để thực hiện Nghị quyết 16/2012 của HĐND TPHCM về công tác lập và thực hiện quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố, cũng như chỉ đạo mới đây nhất của lãnh đạo thành phố. Cụ thể, thành phố đã chỉ đạo Sở QH-KT cùng các sở ngành, quận, huyện tiến hành rà soát lại các đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt nhưng không còn phù hợp tình hình thực tiễn, thiếu tính khả thi, kéo dài thời gian do chưa có nguồn lực thực hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. Chính vì vậy, mục tiêu phải đạt tới của đợt rà soát này cũng chính là điều mà người dân sẽ được sau khi rà soát, điều chỉnh lại các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt.
Một khu đất được quy hoạch 1/500 tại Nam Sài Gòn. Ảnh: THÀNH TRÍ
° Bản chất của quy hoạch là những định hướng phát triển lâu dài, không thể “một sớm, một chiều” thực hiện ngay được, còn những khó khăn trong cuộc sống mà người dân đang phải đối mặt giải quyết lại là vấn đề hiện tại. Trong bối cảnh đó, sẽ phải chọn xóa hay điều chỉnh những quy hoạch nào?
° Để vừa đảm bảo cho TPHCM phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo mục tiêu phát triển bền vững, vừa không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân trong khi chưa có nguồn lực thực hiện quy hoạch, chúng tôi sẽ rà soát kỹ hiện trạng sử dụng đất, các biến động về nhà đất trong khu vực quy hoạch, tính hợp lý của đồ án, cân đối lại các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong các đồ án quy hoạch. Khu vực được tập trung xem xét là khu vực quy hoạch có nhiều người dân kiến nghị như: công viên cây xanh, công trình công cộng, các tuyến đường dự phóng (đường bộ, đường sắt), các khu chức năng đầu mối hạ tầng kỹ thuật… Đây là các khu vực quy hoạch mà từ lâu nay chưa xác định được nguồn lực thực hiện cũng như chưa xác định được thời gian thực hiện để công khai cho người dân biết.
Bên cạnh việc xem xét về tính hợp lý của đồ án quy hoạch, đợt rà soát lần này, các sở ngành có liên quan sẽ phối hợp để xem xét các nguồn lực thực hiện (dài hạn, trung hạn, ngắn hạn) để cân nhắc về tính khả thi của khu vực quy hoạch. Nếu nguồn lực thực hiện còn mơ hồ, không xác định được và không thuộc diện phải giữ lại quy hoạch để đáp ứng yêu cầu phát triển (khung hạ tầng kỹ thuật, các chức năng hạ tầng xã hội cơ bản) thì dứt khoát phải điều chỉnh (giảm quy mô hoặc xóa bỏ). Sau này khi có điều kiện, chúng ta sẽ thực hiện bổ sung theo nguyên tắc thỏa thuận, đền bù sòng phẳng, rõ ràng với người dân.
Tất nhiên, cuộc sống của những người dân sống trong khu vực quy hoạch phải giữ lại sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Để giải quyết căn cơ, triệt để những bức xúc của người dân, cần nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ cho người dân, đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Tôi nghĩ, nếu quyền lợi người dân trong khu vực quy hoạch được đảm bảo giống như người dân ở ngoài khu vực quy hoạch, sẽ không có việc người dân bức xúc. Người dân sẽ đồng thuận cao hơn với quy hoạch, qua đó tính khả thi của đồ án sẽ tăng lên. Vừa qua, TPHCM đã cho phép người dân được xây, sửa nhà tạm trong vùng quy hoạch song như nhiều người dân chia sẻ với tôi, đó cũng chỉ là xây tạm và trong nhiều trường hợp sẽ không được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Như thế không công bằng với họ, nhất là khi có nhiều chủ đầu tư công trình dù không có năng lực thực hiện dự án nhưng cũng cố “xin”… dự án. Thực tế, thời gian qua ở TPHCM cho thấy, đã có nhiều dự án bị kéo dài hàng chục năm do chủ đầu tư không có năng lực.
Thực ra, mong muốn của Nhà nước là lập quy hoạch để trong tương lai sẽ tạo môi trường sống tốt hơn, tăng chất lượng sống cho người dân với đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, trong giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, nếu chưa thể thực hiện quy hoạch thì cũng không nên để quy hoạch làm khổ cho người dân.
Đến hết tháng 7-2016 rà soát xong quy hoạch
|
° Huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn là hai địa bàn mà Sở QH-KT cùng lãnh đạo hai địa phương ấy đang tiến hành việc rà soát và hiện đang chuẩn bị giải pháp điều chỉnh lại một số đồ án quy hoạch đô thị. Những đồ án quy hoạch nổi bật nào sẽ được điều chỉnh và điều chỉnh như thế nào?
° Đối với đồ án quy hoạch Khu đô thị mới Tây Bắc thành phố, chúng tôi đang tiến hành xác định lại ranh giới của từng khu vực. Khu vực nào có dân cư đông đúc, sẽ được xác định trong đồ án quy hoạch là khu dân cư hiện hữu cải tạo để người dân có cơ sở pháp lý xây dựng, sửa chữa nhà, tách thửa đất ở, chuyển nhượng, thế chấp… theo quy định. Những khu dân cư thưa thớt sẽ được nghiên cứu, xác định các khu chức năng phù hợp với tính chất của một khu đô thị mới. Đối với đồ án quy hoạch Khu công nghiệp DIC nằm trên địa bàn huyện Hóc Môn; Viện Trường Y tế, Khu công nghiệp Bàu Đưng, Khu công nghiệp Tân Quy A, Khu công nghiệp Hóa Dược, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Sở QH-KT đã rà soát và sẽ báo cáo thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh, xóa quy hoạch (do thuộc quy hoạch các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Còn về 10 khu vực nằm dọc sông Sài Gòn, với vai trò Tổ trưởng Tổ công tác mời gọi đầu tư (đã được UBND TPHCM thành lập), Sở QH-KT cùng các sở ngành liên quan và địa phương đang lập kế hoạch triển khai thực hiện. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành khảo sát thực tế nhằm chọn ra những khu vực có thể kêu gọi đầu tư ngay, để công bố mời gọi nhà đầu tư với các cơ chế chính sách thông thoáng.
° Kế hoạch rà soát quy hoạch trên toàn địa bàn thành phố như thế nào, thưa ông? TPHCM đã phê duyệt 283 đồ án quy hoạch vào năm 2013, những đồ án mới này có phải rà soát?
° Ngày 3-6-2016, Sở QH-KT chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, các ban quản lý khu đô thị trên địa bàn thành phố họp về kế hoạch rà soát quy hoạch và phổ biến nguyên tắc, nội dung rà soát. Theo đó, sở sẽ cử cán bộ xuống các quận, huyện để cùng cán bộ các quận, huyện thực hiện công tác rà soát. Dư kiến, đến hết tháng 7-2016 sẽ hoàn tất công tác rà soát quy hoạch trên toàn địa bàn thành phố. Về nguyên tắc, chúng tôi sẽ ưu tiên rà soát những đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được ban hành từ 5 năm trở lên, những đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được ban hành từ 3 năm trở lên, bởi đây cũng là mốc thời gian mà Luật Quy hoạch đô thị đã quy định phải rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch. Quy hoạch nào không hợp lý, thiếu tính khả thi sẽ được xem xét điều chỉnh như đã nói ở trên. Ngoài ra, những đồ án quy hoạch mà người dân đã có nhiều phản ánh, kiến nghị cũng sẽ được “ưu tiên” rà soát, ngay cả với những đồ án vừa được phê duyệt trong năm 2013.
° Cách nay vài năm, TPHCM đã có kế hoạch điều chỉnh lộ giới quy hoạch của một số tuyến đường trên địa bàn thành phố sau khi nhiều địa phương báo cáo người dân bức xúc vì quy hoạch lộ giới đường treo quá lâu, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Thế nhưng, không hiểu sao kế hoạch này lại dừng. Trong đợt rà soát này, quy hoạch lộ giới đường có được xem xét không?
° Sở QH-KT và Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo UBND TP về công tác này. Quy hoạch lộ giới các tuyến đường giao thông sẽ được xem xét trong đợt rà soát lại quy hoạch lần này. Ngoài ra, Sở QH-KT cũng sẽ yêu cầu các quận, huyện xem xét lại quy hoạch lộ giới hẻm để có điều chỉnh hợp lý.
°Cảm ơn ông!
TÂM ĐỨC (thực hiện)