Sẽ giữ nguyên tên nước và quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng

Việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Sẽ giữ nguyên tên nước và quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng

(SGGPO).- Việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Chiều 20-5, theo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do ông Phan Trung Lý, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992 trình bày, tính đến nay, đã có hơn 26.091.000 lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Sẽ giữ nguyên tên nước và quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng ảnh 1

Buổi họp chiều nay 20-5. Ảnh: chinhphu.vn

Giữ nguyên tên nước và quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng

Liên quan đến các ý kiến góp ý về tên nước, ông Lý cho biết: Ủy ban DTSĐHP cho rằng, tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ. Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Đồng thời, việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng cũng được Ủy ban DTSĐHP khẳng định là cần thiết. Trong khi đó, đề nghị không đưa vấn đề ban hành luật về Đảng vào Dự thảo Hiến pháp.

Làm rõ quan hệ giữa quyền - nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân

Tiếp thu ý kiến nhân dân về việc làm rõ mối quan hệ giữa quyền với nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân, Ủy ban DTSĐHP đã rà soát, bổ sung để trình Quốc hội quy định về nghĩa vụ của công dân vào các điều 41, 42, 46, 47, 48, 49 và 50.

Mặt khác, một số điều khoản khác trong Dự thảo đã có những quy định về việc nghiêm cấm hoặc sử dụng cụm từ “không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm/vi phạm…”. Những quy định này thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong việc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Một góp ý khác cũng đã được tiếp thu liên quan đến quyền sống (tại Điều 21), theo đó, bổ sung nội dung: “Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng một cách trái pháp luật”. Quy định như vậy là phù hợp với Công ước quốc tế và tình hình cụ thể của Việt Nam khi mà nước ta vẫn đang áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự – ông Phan Trung Lý giải thích. 

Không đặt vấn đề trưng mua đất đai

Trên quan điểm tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân và không đặt vấn đề đa sở hữu đất đai, Ủy ban DTSĐHP nhận định, thu hồi đất là vấn đề quan trọng, vừa liên quan đến quyền sở hữu toàn dân về đất đai, vừa liên quan đến quyền của người sử dụng đất. Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội quy định cơ chế thu hồi đất, vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không đặt vấn đề trưng mua, vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu.

Tuy nhiên, để bảo đảm việc thu hồi đất không bị lạm dụng, đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc của việc thu hồi, bồi thường, đó là “Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”; nội dung cụ thể về điều kiện và thể thức thu hồi, bồi thường sẽ được xác định trong luật.

Việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội được cho là cần thiết, song để tránh việc thu hồi đất tràn lan, Dự thảo quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các trường hợp thu hồi đất do luật định. Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”.

Hai phương án về chính quyền địa phương

Về mô hình chính quyền địa phương, Ủy ban DTSĐHP ghi nhận yêu cầu đổi mới để phù hợp với tình hình mới, trình độ phát triển của đất nước. Song, nhiều đề án liên quan đến đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện đang được triển khai nghiên cứu, thí điểm (Đề án thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; Đề án về chính quyền đô thị...). Do chưa có kết luận từ tổng kết các đề án này nên Dự thảo chưa thiết kế được mô hình cụ thể của chính quyền địa phương. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP trình Quốc hội 2 phương án về mô hình chính quyền địa phương.

Phương án 1 là giữ quy định về đơn vị hành chính và quy định khái quát về việc tổ chức chính quyền địa phương. Theo phương án này thì Chương IX gồm 2 điều, một điều quy định về đơn vị hành chính, một điều quy định về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương do luật định.

Phương án 2 là giữ quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như Hiến pháp hiện hành.

Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định

Trên cơ sở nghiên cứu hai loại ý kiến về vấn đề này, Ủy ban DTSĐHP nhận định, về thực chất, dự thảo sửa đổi Hiến pháp trước khi trình Quốc hội thông qua đã thể hiện ý chí và trí tuệ của nhân dân. Vì vậy, quy định Quốc hội thông qua Hiến pháp không trái với nguyên tắc quyền lực nhà Nước thuộc về nhân dân.

Mặt khác, trưng cầu ý dân về Hiến pháp là việc hệ trọng nên cần phải được cân nhắc một cách toàn diện, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của nước ta. Do đó, để kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội và quyền của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp, Ủy ban đề nghị quy định “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”.

>>Khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục