Khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII - Lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm

(SGGP). – Sáng 20-5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Trước đó, các đại biểu QH đã vào lăng đặt vòng hoa viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
Khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII - Lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm

(SGGP). – Sáng 20-5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Trước đó, các đại biểu QH đã vào lăng đặt vòng hoa viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu trong ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu trong ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định, kỳ họp thứ 5 của QH được tiến hành trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực và thế giới đang trong quá trình phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững. Kinh tế trong nước đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn chưa ổn định, nhiều khó khăn thách thức còn hiển hiện, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục gặp khó khăn; việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn... “Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải đoàn kết một lòng, có những giải pháp tích cực và đồng bộ, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2013, tạo đà phát triển bền vững cho những năm sau”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Điểm lại những nội dung quan trọng nhất của kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, QH sẽ tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân. Cũng trong mảng công tác lập pháp, QH sẽ xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - dự án luật tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống KT-XH, sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, tại kỳ họp này, lần đầu tiên QH tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Bên cạnh các nội dung thường kỳ, QH sẽ dành thời gian giám sát chuyên đề “Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012”... Chủ tịch QH trân trọng đề nghị các vị đại biểu QH tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu trong ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Ảnh: HỒNG VĨNH

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu trong ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Ảnh: HỒNG VĨNH

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, QH đã nghe các báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH về vấn đề này. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cũng đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

ANH THƯ


Giữ nguyên tên nước và quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do ông Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình bày, tính đến nay, đã có hơn 26.091.000 lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức.

        Giữ điều 4 Hiến pháp

Liên quan đến các ý kiến góp ý về tên nước, ông Phan Trung Lý cho biết: “Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ. Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”. Đồng thời, việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng cũng được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khẳng định là cần thiết.

        Không đặt vấn đề trưng mua đất đai

Trên quan điểm tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân và không đặt vấn đề đa sở hữu đất đai, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận định, thu hồi đất là vấn đề quan trọng, vừa liên quan đến quyền sở hữu toàn dân về đất đai vừa liên quan đến quyền của người sử dụng đất. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị QH quy định cơ chế thu hồi đất, vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không đặt vấn đề trưng mua, vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu. Tuy nhiên, để bảo đảm việc thu hồi đất không bị lạm dụng, đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc của việc thu hồi, bồi thường, đó là “Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”.

        Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do QH quyết định

Trên cơ sở nghiên cứu 2 loại ý kiến về vấn đề này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận định, về thực chất, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trước khi trình QH thông qua đã thể hiện ý chí và trí tuệ của nhân dân. Vì vậy, quy định QH thông qua Hiến pháp không trái với nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mặt khác, trưng cầu ý dân về Hiến pháp là việc hệ trọng nên cần phải được cân nhắc một cách toàn diện, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của nước ta. Do đó, để kết hợp giữa thẩm quyền của QH và quyền của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp, ủy ban đề nghị quy định “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do QH quyết định”. 

ANH THƯ


Miễn thuế TNDN và GTGT với tổ chức xử lý nợ xấu

Chiều 20-5, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về 2 dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT).

        Doanh nghiệp nhỏ có thể hưởng thuế suất 20% từ 1-7

Trình bày về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN, chiều qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, để thực hiện Chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 là giảm dần mức động viên, dự thảo luật quy định từ 1-1-2014 áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22%; doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ 1-7-2013. Từ ngày 1-1-2016, mức thuế suất phổ thông là 20% và mức thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm còn 17%.

Theo Chính phủ, việc điều chỉnh thuế suất phổ thông và thuế suất ưu đãi như trên, đồng thời bổ sung đối tượng ưu đãi, dự kiến giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 22.200 tỷ đồng; năm 2016 dự kiến giảm thu ngân sách thêm 21.190 - 21.580 tỷ đồng so với mặt bằng thuế suất 22%. Số giảm thu này sẽ được bù lại một phần do tăng thu từ các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân (năm 2014 khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng, năm 2016 khoảng 2.000 - 2.500 tỷ đồng), đồng thời sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN vào những năm sau do doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

        Giảm thuế GTGT với nhà ở xã hội

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT là việc đề nghị Quốc hội cho phép tài sản bảo đảm của khoản nợ bán ra của tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam không chịu thuế GTGT.

Lý giải cho đề xuất này, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trước bối cảnh phát sinh và tồn tại nhiều khoản nợ xấu trong nền kinh tế, Bộ Chính trị đã phê duyệt đề án thành lập tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Các khoản nợ xấu được xử lý chủ yếu là nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản và bất động sản hình thành trong tương lai. Khi thành lập, tổ chức này sẽ là công cụ của nhà nước nhằm góp phần xử lý nợ xấu.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN cũng đưa ra quy định về miễn thuế đối với “Thu nhập của tổ chức nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam”. Theo ông Phùng Quốc Hiển, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, với tính chất là tổ chức hình thành và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm xử lý nợ xấu, đẩy nhanh việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, làm lành mạnh hóa thị trường tài chính thì việc miễn thuế TNDN cho thu nhập của tổ chức trên là hợp lý. Tuy nhiên, để có căn cứ xem xét việc miễn thuế, Chính phủ cần phải làm rõ hơn mô hình, thời hạn hoạt động, phương án tổ chức hoạt động và kết quả dự kiến mang lại.

Một trong những điểm đáng chú ý khác là đề xuất của Chính phủ về việc giảm 50% thuế GTGT đầu ra từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014 đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục