Như Báo SGGP đã đưa tin, cuối cùng UBND TPHCM đã cho phép cấp giấy chủ quyền cho các cư dân ở chung cư A9 Bắc Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh. Sau khi có văn bản này, ông Trần Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cho biết, đã tiến hành cho người dân đóng thuế trước bạ ngay để chuyển qua quận cấp sổ; còn đại diện chủ đầu tư cho biết, tiền sử dụng đất cư dân sẽ đóng theo bảng giá đất của hàng chục năm trước đây, tức là “không đáng kể”. Chắc chắn không có gì thay đổi, giấy chủ quyền cho hàng trăm hộ dân tại chung cư A9 sẽ sớm hoàn tất, giấc mơ 15 năm qua thành hiện thực! Nhưng, câu chuyện không chỉ dừng ở đây.
Một lãnh đạo của quận nhận xét, đã “giật mình” khi thành phố mạnh dạn cho phép chung cư A9 “xé rào”, tức là dự án chưa có quyết định giao đất, chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính. Bởi lâu nay chưa có ngoại lệ như vậy, khi cư dân cầm giấy chủ quyền trên tay, dự án phải có đủ các chữ ký từ thủ tục giao đất cho đến nghĩa vụ tài chính, kể cả các hạ tầng xã hội như trường học, nhà cộng đồng… Nói nôm na, không có cửa cho chủ đầu tư làm cẩu thả! Vậy tại sao chung cư A9 lại “chạy lọt” được? Câu trả lời là xuất phát từ “yếu tố lịch sử”. Nhưng góc nhìn “yếu tố lịch sử” thì trên quận Bình Thạnh đâu chỉ có mỗi chung cư A9 bị mắc kẹt. Theo báo cáo trước đây của UBND quận Bình Thạnh, trong 14 dự án do Công ty TNHH một thành viên địa ốc Bình Thạnh làm chủ đầu tư trước năm 2000, chỉ có 8 dự án có quyết định giao đất. Các trường hợp chưa ra giấy chủ quyền gồm: một số trường hợp tái định cư đã chuyển nhượng qua nhiều chủ, hiện nay không thể liên hệ được với chính chủ; chưa có cơ sở tính thuế do chưa có quyết định giao đất, hoặc có quyết định giao đất nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính… Vì vậy, việc cấp giấy chủ quyền ở những chung cư này phải ngưng lại và xin chủ trương, ví dụ trên 200 căn ở chung cư 36-32/17 Nguyễn Huy Lượng, phường 14; dự án chung cư 21/12 Lê Trực (hiện đang tranh cãi về tiền sử dụng đất)… Rộng ra, ngoài quận Bình Thạnh, TP cũng còn gần cả trăm ngàn trường hợp dính líu tới “yếu tố lịch sử” mà không thể cấp giấy chủ quyền. Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TPHCM cho biết, TP đang tiếp tục xin ý kiến các bộ ngành, Chính phủ để tháo gỡ.
Do đó, việc tháo gỡ cấp giấy chủ quyền nếu xuất phát từ việc cư dân A9 “kiện tụng” mà xử lý trước là không công bằng. Nếu đưa trường hợp một lốc chung cư A9 vào diện ngoại lệ, chắc chắn sẽ không bao giờ giải quyết dứt điểm các trường hợp cấp giấy chủ quyền cho người dân; bởi hồ sơ nhà đất thường phức tạp và chính sách pháp luật hay thay đổi theo các thời kỳ. Nếu chọn yếu tố ngoại lệ để giải quyết hồ sơ, tức là một sự né tránh, sự việc cứ neo lại, đối với người dân thì lo lắng, mòn mỏi, còn trong báo cáo chính quyền thì còn đó “góc khuất”. Để giải quyết rốt ráo vấn đề cấp giấy chủ quyền cho các dự án còn ách tắc, rất cần một chủ trương thống nhất, những văn bản, quy định… tháo gỡ chung cho các trường hợp “lịch sử” này, đến lúc đó việc quản lý sẽ đơn giản hơn nhiều so với sự rối rắm hiện nay.
LIÊN THƯỢNG