Sẽ kiểm soát chi phí tất cả sản phẩm sữa

Ngày 20-5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1079 áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đối với 25 dòng sản phẩm của 5 doanh nghiệp. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng.
Sẽ kiểm soát chi phí tất cả sản phẩm sữa

Ngày 20-5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1079 áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đối với 25 dòng sản phẩm của 5 doanh nghiệp. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, khẳng định, đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sắp tới cơ quan này sẽ tiếp tục biện pháp bình ổn mở rộng với các dòng sản phẩm sữa dưới 6 tuổi theo quy định của Bộ Y tế.

*  Phóng viên: Xin ông cho biết những căn cứ, cơ sở nào để Bộ Tài chính áp giá trần đối với giá sữa hiện nay, tại sao cơ quan quản lý không áp dụng biện pháp này thời gian qua?

*  Ông NGUYỄN ANH TUẤN:
Để thực hiện việc bình ổn giá thông qua áp giá trần, Bộ Tài chính căn cứ vào 3 yếu tố. Thứ nhất là kết quả thanh tra 5 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa do Thanh tra Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp. Thứ hai là căn cứ vào diễn biến thị trường của mặt hàng sữa. Thứ ba là tham khảo các sản phẩm sữa cùng loại bán ở các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… Còn việc tại sao thời điểm hiện nay mới áp dụng biện pháp này là do chúng tôi căn cứ vào Luật Giá (được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1-1-2013). Do việc áp dụng giá trần là biện pháp mang tính hành chính nên trước khi đưa ra áp dụng Bộ Tài chính đã tính toán hết sức thận trọng, kỹ càng trước khi trình Chính phủ và theo nhận định của chúng tôi, đây là thời điểm chín muồi để áp dụng biện pháp bình ổn này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Đây thực chất là biện pháp tình thế và áp dụng theo Luật Giá - vốn được lấy ý kiến rộng rãi trước khi thông qua - chứ chúng tôi không tự nghĩ ra. Khi xây dựng luật chúng tôi cũng đã tham khảo hết các cam kết quốc tế của Việt Nam và chúng ta hoàn toàn được thực hiện các biện pháp tự vệ như vậy. Do là biện pháp mang tính hành chính nên sẽ chỉ áp dụng trong vòng 1 năm. Sau thời gian trên việc áp dụng nữa hay không sẽ được tiếp tục tính toán.

* Tại sao Bộ Tài chính lại chọn 25 dòng sản phẩm chứ không phải nhiều hơn hay ít hơn, thưa ông?

* Việc lựa chọn 25 sản phẩm căn cứ vào kết luận thanh tra và tính dẫn dắt thị trường, có thị phần cao của các sản phẩm này. Với các sản phẩm còn lại, chúng tôi sẽ có hướng dẫn tiếp (dự kiến ban hành tuần này) để kiểm soát giá chứ không chỉ 25 sản phẩm được nêu trên. Nghĩa là sắp tới, danh mục bình ổn sản phẩm sữa sẽ được mở rộng với tất cả các dòng sản phẩm sữa dưới 6 tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Mục tiêu của chúng tôi là kiểm soát tất cả các dòng sản phẩm.

* Một số doanh nghiệp cho rằng, mức giá trần hiện nay thấp hơn giá hiện tại của các công ty từ 18% đến 30% và doanh nghiệp kinh doanh sẽ bị lỗ khi áp giá trần vì không tính đến các yếu tố cạnh tranh. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

* Liên quan đến vấn đề này, tôi cũng xin thông tin lại thêm để dư luận hiểu rõ là, theo kết luận thanh tra 5 doanh nghiệp sữa, nhiều dòng sản phẩm của doanh nghiệp sữa có lãi rất cao, từ 20% đến 30%. Do vậy, chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để áp dụng biện pháp áp giá trần và đưa ra các mức giá bán buôn cụ thể đối với từng loại sản phẩm như vừa qua. Giá trần do chúng tôi đưa ra là đã tính toán đầy chủ các chi phí hợp lý, hợp lệ, lợi nhuận hợp lý chứ không thể quá thấp được.

* Có những ý kiến băn khoăn về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá với mặt hàng sữa. Bởi so với các mặt hàng như xăng dầu, điện… Nhà nước có thể can thiệp do vị trí mang tính độc quyền, thống lĩnh của mặt hàng nhưng sữa là mặt hàng đã mang tính thị trường nên việc can thiệp sẽ khiến cho thị trường này vận hành khác đi. Ông nghĩ sao về điều này?

* Như tôi đã nói việc làm này căn cứ vào Luật Giá, việc thanh tra vừa qua thực chất là biện pháp kiểm soát các chi phí hình thành giá theo quy định của luật. Những khoản chi phí không hợp lý, hợp lệ đã được yêu cầu loại ra khỏi cơ cấu giá. Những điều này căn cứ theo quy định của Bộ Tài chính về phương pháp định giá chung về tài sản hàng hóa với những đề cập, hướng dẫn chi tiết về chi phí hợp lý, hợp lệ.

* Trước đây, tại một số hội thảo về sữa cũng như số liệu từ cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, cho biết, nhiều sản phẩm sữa ngoại nhập khẩu bán lẻ cao hơn từ 5 đến 9 lần giá nhập khẩu. Như vậy, liệu việc đưa ra giá trần với một số sản phẩm vừa qua đã thực sự hợp lý hay chưa, thưa ông?

* Những thông tin dẫn chiếu để đưa ra biện pháp bình ổn giá phải có căn cứ chính xác và chúng tôi thực hiện đúng phương pháp tính giá trước khi đưa ra biện pháp quản lý. Cụ thể, giá đối với mặt hàng sản xuất thì xác định các loại chi phí từ sản xuất, còn với sản phẩm nhập khẩu thì xác định từ khâu nhập khẩu.

* Phản hồi từ các doanh nghiệp sau khi biện pháp này đưa ra ra sao, thưa ông?

* Hiện nay chúng tôi chưa nhận được phản hồi chính thức về vấn đề này.

* Nếu như doanh nghiệp áp dụng các biện pháp lách bằng cách giảm trọng lượng, chất lượng hay tăng thêm ít trọng lượng nhưng giá tăng nhiều hơn, không thực hiện các biện pháp mà cơ quan quản lý đề ra, cơ quan quản lý sẽ có biện pháp ra sao, chế tài như thế nào, thưa ông?

* Điều đó đã nằm trong các tính toán của chúng tôi. Khi lựa chọn 25 dòng sản phẩm của 5 doanh nghiệp này là đã có các biện pháp kiểm soát, giám sát đi theo. Các biện pháp triển khai sẽ được chúng tôi hướng dẫn cụ thể tới các địa phương. Trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 6 chúng tôi sẽ có các buổi tập huấn để khi đi vào áp dụng biện pháp này sẽ được triển khai quyết liệt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có thư gửi các bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn nắm vững chủ trương của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ ngành liên quan; chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong đó có việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo thẩm quyền để việc bình ổn giá sữa được thuận lợi - tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ áp dụng các chế tài cụ thể với từng hành vi được quy định tại Nghị định 109 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

* Ông kỳ vọng gì về việc triển khai các biện pháp bình ổn này?

* Đương nhiên là chúng tôi kỳ vọng sẽ điều tiết được giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi ở mức hợp lý hơn, bảo vệ người tiêu dùng và buộc các nhà sản xuất, kinh doanh phải điều chỉnh lại mức giá một cách hợp lý.

* Xin cảm ơn ông!

NGỌC QUANG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục