Báo ĐTTC vừa có loạt bài viết liên quan đến việc xử phạt các DN vi phạm các quy định về CK và TTCK, trong đó có đặt vấn đề liệu DN có “nhờn thuốc”. Trao đổi với ĐTTC, ông Hoàng Đức Long, Chánh Thanh tra UBCKNN khẳng định: Năm 2008, các mức xử phạt vi phạm sẽ nghiêm hơn, và DN sẽ khó có đủ điều kiện niêm yết, nếu vi phạm.
PHÓNG VIÊN: -Ông đánh giá thế nào về nhận thức của DN đối với các quy định liên quan đến CK và TTCK?
Ông HOÀNG ĐỨC LONG: -Từ đầu năm đến nay, UBCKNN đã ra 56 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK và TTCK, tổng số tiền nộp vào ngân sách là 1,36 tỷ đồng. Trong đó hành vi vi phạm chủ yếu là chào bán CP ra công chúng để tăng vốn điều lệ mà không đăng ký (chiếm 79% tổng số hành vi vi phạm).
Từ kết quả đó cho thấy phần lớn DN đã vi phạm về việc phát hành CK nhưng không đăng ký, đa số là phát hành CK ra công chúng lần đầu và tập trung vào 6 tháng đầu năm - khi Luật CK mới có hiệu lực. Vì vậy, nếu các hành vi vi phạm ở mức không nghiêm trọng, DN đã kịp thời nhận thức về hành vi vi phạm và nhanh chóng khắc phục hậu quả, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật, thì chỉ bị phạt ở mức thấp, 20-30 triệu đồng. Đối với các hành vi vi phạm trong thời gian 6 tháng cuối năm, mức xử phạt có thể đến 50-70 triệu đồng.
-Thưa ông, vì sao trong thời gian cuối năm lại có nhiều DN vi phạm?
-Các trường hợp bị phạt vào cuối năm là do DN chậm đăng ký công ty đại chúng, đến khi đăng ký, xin phép phát hành tăng vốn tiếp, hoặc đăng ký niêm yết thì bị UBCKNN phát hiện, xử lý. Đó là lý do tại sao vào những tháng cuối năm, nhiều DN bị xử phạt như vậy. Điều đáng lưu ý là một số DN không chỉ vi phạm một đợt phát hành CK ra công chúng, mà có DN phát hành ra công chúng liên tiếp hai, ba đợt trong năm 2007 (như trường hợp CTCP Xây dựng số 7, bị xử phạt lên đến 80 triệu đồng).
-Nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt vẫn còn thấp, và nhiều DN sẵn sàng vi phạm - vì ít chi phí và được lợi nhiều hơn.
-Khi xử phạt, UBCKNN căn cứ vào tính chất, mức độ vị phạm, thời gian vi phạm và số lượng các hành vi vi phạm để áp dụng mức xử phạt theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt của UBCKNN không đồng nghĩa với việc chấp thuận niêm yết CP của DN đó trên HOSE hay HASTC.
Việc DN có được niêm yết hay không còn phụ thuộc vào hồ sơ đăng ký niêm yết có đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hay không. Nếu HOSE và HASTC chấp thuận hoặc hủy bỏ niêm yết không đúng quy định thì cũng sẽ bị xử phạt.
Mức xử phạt tối đa trong Nghị định 36 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK và TTCK không phải chỉ là 70 triệu đồng như nhiều người vẫn nghĩ.
Theo Nghị định 36, có một số hành vi vi phạm có thể bị xử phạt cao hơn rất nhiều lần. Cụ thể, đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 hoặc 4 Điều 9 (giả mạo trong hồ sơ đăng ký chào bán CK ra công chúng, gây thiệt hại cho NĐT; chào bán CK ra công chúng khi chưa có giấy chứng nhận) và Khoản 2 Điều 14 (tổ chức thị trường GDCK trái với quy định) mức xử phạt sẽ từ 1-5% hoặc từ 1-5 lần khoản thu trái pháp luật. Trong năm 2008, UBCKNN sẽ áp dụng các mức phạt này. Nếu DN bị áp dụng mức phạt này sẽ khó đủ điều kiện niêm yết trên HOSE hoặc HASTC.
- Nhưng dường như hiện nay UBCKNN vẫn chưa mạnh tay?
-Ngoài việc áp dụng xử phạt chính, việc áp dụng các hình thức xử phạt khác cũng đã được UBCKNN thực hiện. Như trường hợp Công ty TNHH Cavico Việt Nam, khi trở thành cổ đông lớn của CTCP Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và xây dựng (MCV) đã không thực hiện báo cáo về sở hữu cổ đông lớn cho UBCKNN; đồng thời Công ty TNHH Cavico Việt Nam là DN 100% vốn nước ngoài thành lập ở Việt Nam nhưng nắm giữ 50,02% tổng số CP niêm yết của Công ty MCV, vượt quá tỷ lệ nắm giữ theo quy định của pháp luật.
Đối với hành vi này, ngoài mức xử phạt chính là 20 triệu đồng, công ty còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác như: buộc phải thực hiện báo cáo về sở hữu của cổ đông lớn, phải điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ CP của Công ty MCV để đảm bảo tỷ lệ nắm giữ tối đa là 49%.
- Xin cảm ơn ông.
Hà My