Đáy, rớ cản lối Chân Mây

Sau thời gian chấn chỉnh, nạn khai thác tôm hùm bông trái phép tại cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) lại tái diễn khiến tàu thuyền khó vào cầu cảng xuất nhập hàng, gây thiệt hại lớn cho chủ tàu và doanh nghiệp.
Đáy, rớ cản lối Chân Mây

Sau thời gian chấn chỉnh, nạn khai thác tôm hùm bông trái phép tại cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) lại tái diễn khiến tàu thuyền khó vào cầu cảng xuất nhập hàng, gây thiệt hại lớn cho chủ tàu và doanh nghiệp.

Trước mặt cảng Chân Mây từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, ngư cụ bẫy bắt tôm hùm bông thả dày kín mặt nước, sát các tàu hàng nước ngoài đang neo đậu bốc xếp hàng hóa. Được biết, khi cảng Chân Mây đi vào hoạt động từ năm 2004, một lượng cát bồi lắng ở bến cảng số 1 (dài 420m, độ sâu trước bến 12,5m đủ khả năng đón tàu trọng tải 30.000DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn), lâu ngày tạo môi trường lý tưởng cho tôm hùm bông - động vật ăn tạp, thường đi kiếm ăn và sinh nở từng đàn. Từ đó, bà con trong vùng sắm ngư lưới cụ hành nghề đánh bắt loài thủy sản này. Ông Võ Thanh, ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, khoe: “Chiều tối ra cảng bỏ vài cái đáy, rớ xuống, sáng mai ra kéo lên ít lắm cũng có mấy trăm ngàn bỏ túi. Nhiều bữa trúng mánh, tôm hùm bán được tiền triệu, có khi cả chục triệu đồng…”.

Ngư dân thả đáy, rớ đánh bắt tôm hùm bông ngay trên luồng tàu hàng vào cảng Chân Mây.

Thế nhưng theo số liệu thống kê từ Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có 13 trường hợp tàu thuyền gặp sự cố liên quan đến việc người dân đặt đáy, rớ đánh bắt tôm hùm bông trên luồng ra vào cảng Chân Mây thời gian qua. Trong đó, vào ngày 1-2-2015, tàu du lịch Seven Sear Voyager sau khi làm thủ tục rời cầu cảng Chân Mây khoảng 2 giờ thì trên tàu có hành khách bị đột quỵ phải đưa vào bờ cấp cứu khẩn cấp. Song tàu này quay lại thì đáy lưới giăng dày đặc, tàu không thể vào cảng, phương tiện trong cảng cũng không thể ra ứng cứu, buộc thuyền trưởng phải cho tàu vào cảng Đà Nẵng để cấp cứu sau nhiều giờ. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc cảng Chân Mây, bức xúc, xảy ra tình trạng trên là do lực lượng xử lý đáy lưới vi phạm an toàn luồng cảng hoạt động không thường xuyên, chưa hiệu quả. Trong khi, mùa tôm hùm ở đây kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch và gần 100 hộ dân của xã Lộc Vĩnh tham gia đánh bắt ở khu vực cảng. Thời điểm này mỗi đêm, người dân thường đặt ở khu vực cảng hơn 300 đáy, rớ. Trung bình mỗi đáy rộng chừng 400m² được neo chặt xuống lòng biển bằng cách buộc đá, cừ tre, cừ sắt, chắc đến độ tàu bình thường không thể kéo bật ra được. Tàu thuyền ra vào cảng bốc xếp hàng hóa thường xuyên mắc kẹt vì lưới cụ cuốn vào chân vịt. Lo nhất là uy tín, thương hiệu cảng Chân Mây sẽ mất dần khi tàu du lịch quốc tế vướng ngư cụ, hành khách phải chuyển sang đường hàng không. Đặc biệt, trong năm 2015, cảng Chân Mây đã và đang đón khoảng 60.000 lượt khách quốc tế du lịch bằng tàu biển cập cảng. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và huyện Phú Lộc đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị nghiêm cấm đánh bắt hải sản trái phép, thả ngư lưới cụ và các chướng ngại vật trong phạm vi luồng tàu ra vào cảng Chân Mây. Song lợi nhuận kinh tế cao từ việc đánh bắt tôm hùm non, ngư dân vẫn cố tình vi phạm dù bị lực lượng chức năng nhiều lần xử lý hành chính.

Tại buổi làm việc mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh, người đứng đầu các đơn vị, địa phương không thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong xử lý tình trạng khai thác thủy sản trái phép tại khu vực cảng Chân Mây sẽ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh. Đồng thời yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế cần phân định rõ khu vực cấm khai thác thủy sản và thông báo để ngư dân biết.

VĂN THẮNG - HUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục