Nhà biên kịch Châu Thổ

Góc cạnh và chuyên nghiệp

Góc cạnh và chuyên nghiệp

Năm 1983, chị về Xí nghiệp phim Tổng hợp và được tuyển đi học chuyên tu biên kịch điện ảnh tại Hà Nội. “Từ đó, nghề biên kịch “ám” mãi tận bây giờ và có lẽ cho đến hết đời. Mấy chục năm lặn ngụp trong nghề, đã rất nhiều lần tôi ân hận sao mình chọn nó, cũng nhiều lần tôi định bỏ nó để trở về với nghề báo, hoặc nghề khác. Ấy vậy mà đến giờ vẫn ôm nó mới lạ, thậm chí lại thấy yêu. Nghề biên kịch bạc bẽo nhất trong các nghề của điện ảnh” – đó là những tâm sự thật nhất, chân tình nhất của chị, nữ biên kịch Châu Thổ, người có nhiều kịch bản sắc sảo, độc đáo và được đánh giá cao…

- Chị bị xem là một nhà biên kịch khó tính. Chị từng từ chối không cho đạo diễn này hay đạo diễn khác thực hiện kịch bản của mình. Chị cũng từng phản ứng, lấy lại kịch bản khi phát hiện bị can thiệp quá sâu. Chị có cho rằng mình đang đề cao bản thân hoặc cái tôi của mình quá lớn?

Góc cạnh và chuyên nghiệp ảnh 1

Nhà biên kịch Châu Thổ trong chuyến tham quan Hollywood.

Vâng, đúng là như vậy. Tôi đã gây khó dễ cho nhiều đạo diễn. Có không ít đạo diễn ngại làm việc với tôi, khó chịu với tôi, thậm chí ghét tôi. Nhưng cũng không ít đạo diễn, nhất là các đạo diễn trẻ lại tìm đến tôi để đặt hàng kịch bản phim đầu tay của họ.

Thực ra, tôi làm khó vì tôi muốn đề cao cái nghề biên kịch đầy cực nhọc, và nói cái tôi của tôi quá lớn cũng đúng một phần. Vì nếu biên kịch không có cái tôi riêng biệt, chính là vốn sống, là cảm xúc, là ký ức của người viết, sẽ khó viết ra được một câu chuyện hay.

Để viết ra được một kịch bản điện ảnh, nhà biên kịch phải sống cùng các nhân vật, tìm cách lý giải số phận nhân vật đến hàng năm, hàng mấy chục năm và có khi cả đời. Họ phải cân nhắc nên chọn tình huống này, chi tiết kia, nói từ này, không nói từ kia…

Chưa hết, các kịch bản đó, nhất là kịch bản phim nhựa, phải qua không biết bao nhiêu góp ý của các biên tập, các thành viên hội đồng duyệt để sửa tới sửa lui năm lần bảy lượt. Vậy mà các đạo diễn, đọc loáng qua và cứ thế sửa lại, chỉnh lại, viết lại theo ý của mình? Sửa cho hay hơn thì cám ơn quá. Đằng này... bỏ cái tôi tâm đắc nhất để thành cái vô lý. Và rồi khi phim thành công, dĩ nhiên đó là công đạo diễn.

Còn phim thất bại, dĩ nhiên tại kịch bản tồi!? Hà cớ gì các đạo diễn không ngồi lại với biên kịch để trao đổi, để cùng tìm kiếm một tiếng nói chung? Tôi chỉ luôn đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong công việc đó là tôn trọng nhau.

Tôi vừa đi thăm một số phim trường ở Hollywood và được tham quan một cảnh quay của series phim “CSI Miami” của hãng Allian Atlantis (Canada) và hãng CBS Paramount Television (Mỹ). Thật thú vị. Trong các cảnh quay, ngồi trước monitor luôn có 3 người, đạo diễn, thư ký và biên kịch. Bất kỳ một lời thoại nào, một chi tiết nào trong kịch bản, đạo diễn cần thay đổi phải được sự đồng ý của biên kịch…

Tôi cũng vừa đọc một bài phỏng vấn đạo diễn nổi tiếng của Pháp Fabien Onteniente: “Tôi xin mượn câu nói của diễn viên nổi tiếng Jean Gabin để trả lời câu hỏi đâu là yếu tố quan trọng nhất cho một bộ phim thành công: “Phim hay có ba yếu tố, thứ nhất là một câu chuyện hay, thứ hai là một câu chuyện hay và thứ ba là một câu chuyện hay”.

- Cái tên Châu Thổ của chị có một ý nghĩa thế nào?

Bích Thủy, tên cha mẹ đặt cho, ai cũng khen tên đẹp, vậy mà lận đận, lao đao từ khi còn là một phóng viên báo Đồng Khởi, khi kịch bản tốt nghiệp đoạt giải cao nhưng lúc dựng lại bị cho là “đụng chạm”. Với cái tên Bích Thủy, năm 1986 tốt nghiệp bằng ưu với điểm 10 tuyệt đối của Hội Đồng chấm thi tốt nghiệp, vậy mà trở về Hãng phim Giải Phóng, kịch bản nào cũng không thể qua ngay vòng đầu của hội đồng nghệ thuật hãng.

Thế là quyết định đặt cho mình một cái tên. Lần đầu tiên với cái tên Châu Thổ gắn vào kịch bản phim Di chúc những oan hồn, được Hội đồng duyệt quốc gia của Cục Điện ảnh khen ngợi và được đưa vào sản xuất ngay. Tiếp đến là kịch bản Người đàn bà không hóa đá… Và không tin cũng phải tin, một loạt kịch bản với cái tên Châu Thổ sau đó như Người đàn bà không chung thủy, Trăng nơi đáy giếng, Giá mua một thượng đế… được duyệt một cách nhẹ nhàng.

Cũng đã nhiều người bạn thắc mắc Châu Thổ là gì? Vâng, Châu là tên con trai tôi. Châu Thổ là đất phù sa, Châu Thổ là tam giác. Có nhiều cái tam giác ở trong cuộc sống và ở mọi nơi.

- Những nhân vật nữ trong các tác phẩm của chị luôn có một số phận rất đặc biệt, điều đó liệu có xuất phát từ kinh nghiệm sống, vốn sống của bản thân chị?

Chắc chắn là như vậy. Biên kịch điện ảnh để có kỹ thuật viết chỉ cần học bốn năm, bốn tháng, thậm chí bốn ngày, nhưng vốn sống thì phải trải nghiệm cả một đời mới có. Phụ nữ thường khổ hơn đàn ông vì họ đa đoan, lãng mạn và nhẹ dạ hơn đàn ông.

- Mới đây, trong đăng ký cấp phép của Senafilm, ngoài việc xin mở lớp đào tạo diễn viên, Senafilm còn xin mở lớp đào tạo biên kịch, phải chăng chị muốn gửi gắm điều gì?

Nói gửi gắm thì to tát quá. Thực chất trước đây khi tôi chỉ làm một biên kịch điện ảnh đơn thuần, tôi không bao giờ có ý định chia sẻ kinh nghiệm viết của mình. Lúc đó, tôi luôn muốn giữ “bí kíp” để kịch bản được “lọt” qua các hội đồng duyệt. Bây giờ, phải gánh vác trách nhiệm quản lý một hãng phim, hơn ai hết, tôi hiểu sự tồn vong của một bộ phim nằm ở đâu. Qua một thời gian đặt hàng, tìm kiếm kịch bản, mới thấy không dễ có kịch bản hay. Mà như nói ở trên, cuộc sống vô thường, có sinh thì có diệt… vì vậy, cần phải có sự tiếp nối.

Hà Giang

Tin cùng chuyên mục