"Nếu anh còn được sống" - Mang dáng dấp trường ca bi tráng

Đạo diễn Tất Bình, Giám đốc Hãng phim Truyện 1 và đạo diễn Lê Ngọc Linh vừa có cuộc Nam tiến để gặp gỡ nữ đạo diễn Việt Linh bàn thảo về kịch bản “Nếu anh còn được sống” (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Lê). Đây là một trong những kịch bản được Bộ VH-TT-DL duyệt, đưa vào sản xuất trong năm nay.
"Nếu anh còn được sống" - Mang dáng dấp trường ca bi tráng

Đạo diễn Tất Bình, Giám đốc Hãng phim Truyện 1 và đạo diễn Lê Ngọc Linh vừa có cuộc Nam tiến để gặp gỡ nữ đạo diễn Việt Linh bàn thảo về kịch bản “Nếu anh còn được sống” (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Lê). Đây là một trong những kịch bản được Bộ VH-TT-DL duyệt, đưa vào sản xuất trong năm nay. Một kịch bản đang được kỳ vọng sẽ làm nên một bộ phim đề tài truyền thống cách mạng chân thực, hấp dẫn với một phong cách thể hiện lạ…

Trong quá trình bộ phim đang được chuẩn bị, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Việt Linh, tác giả kịch bản và những người liên quan.

"Nếu anh còn được sống" - Mang dáng dấp trường ca bi tráng ảnh 1

Tác giả kịch bản Việt Linh: ° Chị đọc tiểu thuyết “Nếu anh còn được sống” trong hoàn cảnh nào và do đâu chị có ý định chuyển thể kịch bản này?

Cách đây hơn 10 năm, đạo diễn Vinh Sơn có nói với tôi là anh Văn Lê mới ra tiểu thuyết “Nếu anh còn được sống” hay, nhưng khó chuyển sang kịch bản điện ảnh. Chính anh Văn Lê cũng nói khó, thậm chí không thể, vì tiểu thuyết đầy chất tự sự.

Tôi đọc, thấy sách hay thật, được giải văn học của Bộ Quốc phòng. Sau khi đọc, tôi nghĩ mình sẽ chuyển thể được. Kịch bản đầu tiên của tôi được anh Văn Lê và ban giám đốc hãng phim khi đó rất thích. Bản cuối cùng được giải A của cuộc vận động sáng tác kịch bản nâng cao của Cục điện ảnh 2007...

Đọc kịch bản thấy hình ảnh, âm thanh ngồn ngộn, rõ ràng như bộ phim trên giấy… Khi chuyển thể kịch bản, chị có nghĩ rằng đích thân chị sẽ thực hiện bộ phim hay không?

Dĩ nhiên. Và tôi đã nằm mơ về nó suốt bao nhiêu năm… Rất tiếc nhiều năm, vì nhiều lý do, nó không được duyệt. Khi nó được giải thì tôi lại không còn đủ sức khỏe để phiêu lưu với một công trình lớn như vậy.

Một công trình lớn và như trong lời khai từ của kịch bản, chị nói rằng “Nếu được đầu tư thích đáng bộ phim có thể mang dáng dấp bản trường ca bi tráng, cảm động, độc đáo và chân thực về cuộc chiến tranh chống Mỹ”, với kinh nghiệm của một đạo diễn, theo chị, thích đáng là bao nhiêu?

Tôi nghĩ nó xứng đáng được đầu tư ngang bằng với những phim chiến tranh trước đó.

Trước đây đã có nhiều bộ phim đề tài chiến tranh được đầu tư hơn chục tỷ đồng mà không thành công. Vì vậy, ngoài vấn đề kinh phí, một kịch bản như “Nếu anh còn được sống” còn cần phải có một đạo diễn có tầm, có tâm mới có thể thực hiện tốt.

Ngoài ra, dàn diễn viên cũng cần được tuyển chọn kỹ lưỡng. Bối cảnh trải dài, có những cảnh bom đạn, máy bay Mỹ tàn phá… là những cảnh mà hầu hết những bộ phim mang đề tài truyền thống cách mạng làm không tới. Chị có lo lắng bộ phim này rồi cũng sẽ như những bộ phim chiến tranh trước đây không?

Không thể không lo lắng, bởi chất lượng phim lệ thuộc rất nhiều yếu tố. Buổi tiếp xúc đầu tiên giữa những người liên quan, chúng tôi nhận ra ở nhau một thái độ tử tế, một quan điểm tử tế, một quyết tâm lớn về bộ phim rung động lòng người. Hy vọng kết quả sẽ tử tế.

Nhiều chi tiết hay câu thoại trong kịch bản khá nhạy cảm, tuy nhiên chính nó lại cho người xem cảm giác chân thực, sống động về cuộc chiến tranh, theo chị, chúng có được giữ lại trong phim?

Ít ra chúng tôi: Cục Điện ảnh, nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn đã hẹn nhau là cố gắng để chúng được giữ lại…

Tác giả Văn Lê và chị đều là những người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ vì thế tạo được độ rung đối với tác phẩm. Người thứ ba chắp cánh cho tác phẩm này là đạo diễn. Nếu được chọn người thực hiện bộ phim, chị sẽ chọn ai?

Hiện tôi không có thẩm quyền để chọn ai cụ thể. Nhưng khi được Cục Điện ảnh hỏi ý kiến, tôi đã trả lời là tôi thích những người trẻ. Bộ phim này đòi hỏi không chỉ tâm huyết, tư duy mới mà cả sức lực nữa. Vả chăng nhân vật chính là người trẻ…

Chị sẽ tham dự ra sao khi bộ phim bấm máy?

Mặc dù được đạo diễn Lê Ngọc Linh mời tư vấn, nhưng tôi muốn để đạo diễn toàn quyền. Nếu có điều kiện tôi sẽ tham gia ý kiến một vài cung đoạn như phân cảnh, casting, dựng phim… 

HÀ GIANG

Đạo diễn Lê Ngọc Linh

Tôi đang bị ám ảnh bởi kịch bản này. Ban đầu tôi không dám nhận mà xin đọc kịch bản trước. Nhưng khi đọc xong, tôi đã bị hút vào nó và nhận ra mình là người may mắn khi được giao kịch bản này. Điều may mắn nữa là tôi tìm được sự đồng điệu với tác giả kịch bản.

Kịch bản được viết bởi một đạo diễn có nghề. Tôi mong sẽ được hợp tác cùng với chị trong suốt quá trình làm phim. Kịch bản như thế, với năng lực của mình, chúng tôi tin rằng sẽ có một bộ phim hay.

Thời điểm để câu chuyện xảy ra trong kịch bản khá hay, đó là thời điểm nhân vật chính chết lâm sàng. Bằng việc tồn tại giữa hai thế giới đã hình thành nên nhân vật với 4 đặc điểm tình – nghĩa – tín – hiếu. Đặc điểm này của nhân vật cũng chính là sức mạnh của một dân tộc để chiến thắng, để trường tồn. Đây sẽ là bộ phim để thế hệ trẻ ngày nay có thể hiểu rõ hơn về cha anh ngày trước...

Tác giả tiểu thuyết Văn Lê

Tiểu thuyết của tôi thuộc thể loại kép, đặt vấn đề về nỗi đau không chỉ tồn tại ở dương thế mà còn phải mang xuống tận âm phủ. Và hơn ai hết, người lính chính là những con người chất chứa trong mình nỗi đau đó. Sự đan xen giữa hai thế giới sẽ làm bật lên tính chất nỗi đau, con người dù ở đâu thì nỗi đau cũng giống nhau. Việc giả định về một cuộc sống ở âm phủ, tôi muốn nói đến một nơi mà con người có điều kiện sống thật hơn, nơi mà xã hội không có màu sắc, mùi hương, nơi mà nhân vật Thiên Niên Kỷ, một bậc cao nhân có những cảm nhận hoàn toàn khác về chiến tranh: trước họng súng của các anh không phải là kẻ thù mà là những con người.

Cuốn sách đặt vấn đề về số phận của người lính. Nhân vật chính trong truyện là người con trai duy nhất của cả một dòng họ. Người con đó mất đi, cả dòng họ bị triệt tiêu...

Đạo diễn Việt Linh đã làm tất cả để chuyển tải những nội dung đó vào kịch bản, đồng thời giữ được cái hồn của tác phẩm. Phần còn lại của bộ phim là đạo diễn, diễn viên, liệu họ có thể đồng cảm, chia sẻ với nhân vật để mang lại sự thành công cho bộ phim hay không?

Đạo diễn Tất Bình
(Giám đốc Hãng phim Truyện 1)

Kịch bản “Nếu anh còn được sống” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Văn Lê – một tác phẩm đoạt giải văn học Bộ Quốc phòng 1993, đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, được dịch và xuất bản ở Hàn Quốc. Kịch bản đoạt giải A chương trình đầu tư kịch bản nâng cao của Cục Điện ảnh 2007.

Qua câu chuyện kể về một người lính trẻ trong lúc bị thương nặng dẫn đến hôn mê và sống giữa hai thế giới: dương thế - âm phủ, kịch bản đã khắc họa chân dung của những người lính thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Một câu chuyện chân thực, cảm động và thấm đẫm tính nhân văn... 

 Đây là một kịch bản tốt, đầy tính nhân văn và khó làm. Một góc nhìn khác về chiến tranh, một sự cắt nghĩa nguyên nhân chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Kịch bản được nhà nước trợ giá 72%. Theo ước tính của hãng, kinh phí để làm bộ phim này vào khoảng 8 tỷ đồng. Ngoài số tiền tài trợ của nhà nước, chúng tôi sẽ phải tự tìm cho đủ kinh phí để làm phim. 

Tin cùng chuyên mục