NSƯT Lý Thái Dũng: “Cái tôi của nhà quay phim càng ít càng tốt…”

23 năm cầm máy, gia tài của anh lên đến gần 20 phim nhựa, hơn 200 tập phim truyền hình, nhiều phim tài liệu và game show... Anh để lại dấu ấn trong nhiều bộ phim, nổi bật có “Ngã ba Đồng Lộc” (đồng quay phim), “Tết này ai đến xông nhà”, “Thung lũng hoang vắng”, “Hàng xóm”, “Đi trong giấc ngủ”, “Vũ điệu tử thần”, “Đừng đốt” (đồng quay phim)…
NSƯT Lý Thái Dũng: “Cái tôi của nhà quay phim càng ít càng tốt…”

23 năm cầm máy, gia tài của anh lên đến gần 20 phim nhựa, hơn 200 tập phim truyền hình, nhiều phim tài liệu và game show... Anh để lại dấu ấn trong nhiều bộ phim, nổi bật có “Ngã ba Đồng Lộc” (đồng quay phim), “Tết này ai đến xông nhà”, “Thung lũng hoang vắng”, “Hàng xóm”, “Đi trong giấc ngủ”, “Vũ điệu tử thần”, “Đừng đốt” (đồng quay phim)…

Liên tiếp trong 3 kỳ Liên hoan Phim Việt Nam, anh đều giành những giải thưởng: giải quay phim xuất sắc tại LHP 13 (phim “Thung lũng hoang vắng”) và LHP 15 (phim “Vũ điệu tử thần”), kỹ thuật xuất sắc (phim “Hàng xóm”)… Anh là quay phim chính của “Cuốc xe đêm”, bộ phim đoạt giải 3 dành cho nhà làm phim đầu tay tại LHP Cannes. Và cũng là quay phim đầu tiên của Việt Nam, thực hiện phim cho kênh National Geographic, bộ phim “Chợ tình ở thung lũng mây”…

1- Thực hiện những bộ phim được chờ đợi…

“…Khi đã nhận quay một bộ phim nào đó, tôi luôn tập trung hết mọi khả năng của mình”, anh tâm sự. Có một bộ phim mà anh và những người thực hiện đang tâm nguyện phải dốc sức làm thật tốt, “vì ngoài chuyên môn còn là chuyện tâm linh…”, đó là phim “40 năm thực hiện di chúc Bác Hồ”. Lý Thái Dũng là giám đốc hình ảnh của bộ phim. 5 tập đầu của bộ phim đã được hoàn thành và sẽ phát sóng vào ngày 2-9 tới đây. Để có những thước phim mang ý nghĩa này, các nhà làm phim đã lần theo dấu chân Bác không chỉ trong mà cả ngoài nước.

NSƯT Lý Thái Dũng tại New York trong chuyến đi thực hiện bộ phim tài liệu “40 năm thực hiện di chúc Bác Hồ”. Ảnh: L.T.D.

NSƯT Lý Thái Dũng tại New York trong chuyến đi thực hiện bộ phim tài liệu “40 năm thực hiện di chúc Bác Hồ”. Ảnh: L.T.D.

Nhà quay phim Lý Thái Dũng kể nhiều về hành trình của nhóm làm phim các anh. “Với cương vị một người quay phim, một công dân, tôi thấy rất thú vị khi “tận mắt chứng kiến” cuộc hành trình rất dài của Bác. Thậm chí những nơi như nhà sàn của Bác, tôi đã từng đến tham quan, đã từng vào quay, thế nhưng cảm xúc của lần này khác hẳn. Thời điểm trước lúc Bác mất, Bác được chuyển đến nơi khác để an toàn, chiếc đồng hồ ngừng lại ngay thời khắc đó. Cô y tá chăm sóc Bác lúc đó mới chỉ đôi mươi, giờ đã là bà, kể lại, chỉ vài giờ trước lúc đi xa Bác còn hỏi thăm, trò chuyện với cô khiến cô rất xúc động. Những nhân chứng, những kỷ vật, những cuộc hành trình… mà chúng tôi đã tiếp cận mang giá trị tinh thần to lớn. Tôi cho rằng gần 86 triệu người dân Việt Nam, không phải ai cũng có điều kiện đặt chân ra Bắc để tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ các kỷ vật của Bác. Chúng tôi muốn làm công việc ghi chép để đưa hình ảnh đến cho tất cả mọi người trên sóng của VTV. Phim sẽ phát sóng trên cả VTV4, những kiều bào ở nước ngoài cũng sẽ có dịp xem bộ phim”.  

“Chơi vơi”, một bộ phim đang gây tò mò của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, do Lý Thái Dũng quay, đã hoàn thành năm 2008, là bộ phim nhựa đầu tiên của Việt Nam được mời tham dự LHP Venice vào tháng 9 tới đây, sau đó bộ phim sẽ tiếp tục tới các LHP Toronto, Vancouver, London, Bangkok. Theo quy định của LHP Venice, phim tham dự phải chưa công chiếu, đó là lý do khán giả Việt Nam vẫn chưa có dịp thưởng thức bộ phim này. Chỉ biết rằng, những nhà làm phim đã rất chăm chút khi xây dựng nó. Người trực tiếp cầm máy thực hiện “Chơi vơi” tâm sự: “Đó là một câu chuyện mô tả cuộc sống đương đại cực kỳ tinh tế. Khi xã hội càng phát triển thì cảm giác cô đơn, chênh vênh của con người càng lớn. Tôi thích cách mổ xẻ những góc cạnh, bản ngã của con người, thích cách phân tích tình bạn, tình yêu, sự chia sẻ, đồng cảm và quan niệm sống mà bộ phim đề cập tới. Mỗi nhà quay phim đều có những bộ phim thực sự thích, hoặc chưa thích lắm, với “Chơi vơi” tôi đặc biệt thích. Tôi hài lòng với những gì mình đã làm cho bộ phim…”.

…Có lẽ gặp nghệ sĩ Lý Thái Dũng để có cuộc trò chuyện này là một sự may mắn. Công việc nhiều khiến anh bận rộn và di chuyển liên tục. Anh đang có mặt tại TPHCM để cùng đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chọn cảnh cho kịch bản “Cánh đồng bất tận” (chuyển thể từ tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư). Bộ phim sẽ được bấm máy trong vài tháng tới.

2- Con người thứ hai của Lý Thái Dũng…

Đó là một nhà sư phạm. Hay đúng hơn là một người thích được mang kinh nghiệm của mình truyền cho giới trẻ. Anh tâm sự “Trong tôi có tố chất của một nhà giáo. Tôi nghĩ mình được thừa hưởng gien sư phạm từ cha mẹ. Cha mẹ tôi đều là những nhà giáo…”. Lý Thái Dũng dạy ở Khoa Báo hình, Học viện Báo chí Tuyên truyền, có thâm niên 10 năm tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, làm công tác chủ nhiệm từ năm 2004-2008. Chưa kể, anh còn tham gia giảng dạy trong những dự án của các tổ chức quốc tế.

“Tôi có một niềm vui là chứng kiến các thế hệ học trò của mình trưởng thành, đảm nhiệm những vai trò chủ chốt trong các đài truyền hình, trở thành bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí cùng tôi tranh tài trong các kỳ liên hoan phim…”.


Anh nói say sưa về học trò của mình, khoe những thành tích mà họ đạt được: “…Thế hệ sau này sẽ giỏi hơn chúng tôi nhiều”.

3- “Cái tôi” của Lý Thái Dũng!

“Khi còn trẻ ai cũng muốn được thể hiện mình, khẳng định, chứng tỏ mình. Tôi cũng vậy, nhưng may mắn là tôi sớm nhận thức được liều lượng, sự kín đáo là yếu tố quan trọng và cần thiết đối với một quay phim. Nhiệm vụ của quay phim là thực hiện ý đồ của đạo diễn, tạo không gian để diễn viên thể hiện câu chuyện của họ, do đó cái tôi của người quay phim, theo tôi, càng ít càng tốt. Càng ít nhận ra bóng dáng của quay phim trong bộ phim chừng nào càng tốt chừng đó, hãy để mọi thứ quyện vào nhau làm bật lên tổng thể chung, đó là truyện phim. Một đạo diễn cấp tiến là người biết lắng nghe. Phim là của đạo diễn, người quay phim tuân theo sự chỉ đạo của đạo diễn. Tất nhiên, mình cũng có thể góp ý. Nếu đạo diễn có phương án A, mình có phương án B, tại sao không quay cả hai? Những cảm nhận hình ảnh trên bàn dựng mới chính xác nhất. Sự hợp tác tốt sẽ mang đến một sản phẩm chất lượng. Tôi quan niệm quay phim là một công việc dịch thuật. Chúng tôi làm nhiệm vụ chuyển đổi ngôn ngữ từ kịch bản sang hình ảnh. Nói dịch thuật thì nghe có vẻ đơn giản. Nhưng cũng giống như một tác phẩm văn học nước ngoài, nếu bạn có nhiều từ vựng, bạn có thể dịch được, nhưng cũng có những câu chữ nếu chỉ bám vào từ vựng không thôi thì sẽ không chuyển tải được hết ý tứ sâu sắc của nó. Lúc ấy, người dịch cần phải dịch thoát ý. Đó cũng chính là sự bay bổng trong khi “chuyển ngữ” từ kịch bản chữ sang hình ảnh...”.

Hỏi: Anh có thấy hài lòng với cuộc sống của mình không? Anh trả lời: Đòi hỏi sự toàn diện ở một con người là điều không tưởng, tôi hài lòng với cuộc sống của chính mình.

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục