Hướng tới 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội: Dấu ấn Hà Nội trong nhạc Trọng Đài

Năm 2005 Báo SGGP tổ chức cuộc họp báo giới thiệu cuộc thi sáng tác ca khúc “Thành phố tôi yêu”, tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam (Hà Nội), chúng tôi gặp nhạc sĩ Trọng Đài. Trọng Đài vui vẻ chân tình bắt chặt tay và cười nhẹ: “Tôi có nghe Nguyễn Khắc Phục kể chuyện anh”. Mê nhạc Trọng Đài, gặp nhau thêm quý mến. Tôi viết bài thơ “Hà Nội thanh tân” và nhờ gởi ra Trọng Đài làm quà.

Nhạc sĩ Trọng Đài sinh năm 1958 tại Hà Nội và viết về Hà Nội sau quá nhiều thành công của các nhạc sĩ đàn anh trong chủ đề này. Điều gì khiến Trọng Đài thành công. 14 tuổi vào hệ Trung cấp Trường Âm nhạc Hà Nội. Tốt nghiệp đại học sáng tác tại Nhạc viện Tchaicopxki (Nga). Về nước anh đi sâu nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Trọng Đài nói: “Tôi quá thích âm nhạc dân tộc dân gian”. Nhạc sĩ Trọng Đài có nhiều sáng tác nhạc phim, nhất là phim về Hà Nội, nông thôn Việt Nam.

Chúng tôi có ấn tượng sâu sắc về hai ca khúc của Trọng Đài. Ấy là Chị tôi (phổ thơ Đoàn Thị Tảo) trong phim Người Hà Nội và Hà Nội đêm trở gió (lời Chu Lai). Với hai ca khúc nổi tiếng, ấn tượng này, nhạc Trọng Đài góp phần phát hiện giọng ca mới - Mỹ Linh và anh có chỗ đứng trong đội ngũ những nhạc sĩ có bài hát hay nhất về Hà Nội.

Khi viết nhạc cho phim Người Hà Nội, đã có nhiều bài hát rất hay về Hà Nội, đặc biệt là Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Trọng Đài thử sức mình bằng phổ nhạc bài thơ được cô gái Đoàn Thị Tảo 20 tuổi viết tặng chị gái mình (Đoàn Lê) khi sinh em bé đầu lòng. Bài thơ có tên “Cho một ngày sinh”. "Thế là chị ơi rụng bông gạo đỏ/ Ô hay trời không nín gió cho ngày chị sinh/ Ngày chị sinh trời cho làm thơ/ Cho nết buồn vui bốn mùa trăn trở/ Cho làm một câu hát cổ/ Để người lý lơi/ Vấn vương với sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ tình người đa đoan”.

Bài thơ của Đoàn Thị Tảo có 7 câu, 57 chữ. Trọng Đài phổ nhạc thành bài hát Chị tôi, chỉ thay 1 chữ rụng bông gạo đỏ thành rụng bông hoa gạo, bớt 1 chữ Cho làm câu hát cổ thành Cho làm câu hát và lặp lại câu Ngày chị sinh trời cho làm thơ. Bài hát hay nâng bài thơ thành nỗi lòng, niềm khắc khoải phận gái.

Vui tươi hơn, trong trẻo hơn là nhạc và ca từ bài hát Hà Nội đêm trở gió. Nhà văn áo lính có bề ngoài và cách ăn nói “bụi bặm, hầm hố” Chu Lai… bỗng tinh tế, dễ thương bất ngờ… trong thơ: Hà Nội ơi tươi xanh màu áo học trò/ Những con đường thân quen còn đó/ Tiếng rao vang đâu đây nghe động trời đêm… Hà Nội ơi xanh xanh liễu rủ mặt hồ Gươm/ Cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng… Hà Nội ơi nhớ về mùa thu tháng mười/ Áo học trò xanh những hàng me/ Hà Nội ơi trong trái tim ta!…

Bài thơ của Chu Lai nếu đọc chữ chưa trọn vẹn, nhưng hát theo Trọng Đài lại thỏa mãn. Quả thật nếu không có một tình yêu đặc biệt, những kỷ niệm đặc biệt về Hà Nội, không thể có bài hát hay đến thế

VŨ ÂN THY

Tin cùng chuyên mục