Siết chặt quy định về sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá

Hôm nay 1-5, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực thi hành. Với 5 chương và 35 điều, luật quy định các biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện đảm bảo để phòng chống tác hại thuốc lá.

(SGGP). – Hôm nay 1-5, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực thi hành. Với 5 chương và 35 điều, luật quy định các biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện đảm bảo để phòng chống tác hại thuốc lá.

Đáng chú ý, một trong những nội dung quan trọng của luật là quy định về các địa điểm cấm hút thuốc bao gồm: các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, các địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá.

Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT có hiệu lực từ 1-5-2013 quy định, thuốc lá sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải in cảnh báo sức khỏe chiếm ít nhất 50% diện tích mặt chính và mặt sau bao bì thuốc lá. Cảnh báo sức khỏe phải được in song song sát với rìa trên của bao bì thuốc lá. Mẫu cảnh báo sức khỏe của mỗi loại sản phẩm thuốc lá phải được thay đổi định kỳ 2 năm/lần.

Việc ghi nhãn đối với thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải được thực hiện bằng tiếng Việt, theo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và bảo đảm các yêu cầu: In cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn, dễ hiểu; dán tem hoặc in mã số, mã vạch; ghi ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng; ghi rõ số lượng điếu đối với bao thuốc lá dạng điếu hoặc trọng lượng đối với các loại thuốc lá khác; không được sử dụng từ, cụm từ làm người đọc, người sử dụng hiểu thuốc lá là ít có hại hoặc hiểu sai về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá đối với sức khỏe con người.


QUỐC KHÁNH

Tin cùng chuyên mục