(SGGP ĐT-TC).- Theo quy định của NHNN, các NH chỉ được sử dụng 20%/tổng vốn điều lệ để cho vay đầu tư chứng khoán. Nhưng thông tư 13 mới đây NHNN bổ sung một số quy định: không được cấp tín dụng cho công ty trực thuộc là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chứng khoán; NH không được cho vay không có bảo đảm để đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Điều này cho thấy NHNN đã tỏ rõ quan điểm hạn chế vốn đổ vào lĩnh vực này.
Hiện nay các NH cho vay chứng khoán đều yêu cầu khách hàng cầm cố chứng khoán hoặc sổ tiết kiệm, nhưng đối với những khách hàng VIP, nhiều công ty chứng khoán và NH đã dễ dãi hơn trong vấn đề tài sản bảo đảm khi cho vay.
Theo phó tổng giám đốc một NH, được cho vay lãi suất thỏa thuận các NH cũng muốn phát triển tín dụng kinh doanh chứng khoán. Vì trong các đối tượng khách hàng, nhà đầu tư chứng khoán là khách hàng dễ tính về vấn đề lãi suất, họ chấp nhận vay lãi suất 16-17%/năm nếu có cơ hội đầu tư lãi 5-6% chỉ trong vài ngày.
Đặc biệt, đối với các NH có mặt bằng huy động vốn giá cao, cửa tiêu vốn cho vay chứng khoán hấp dẫn, giúp NH xoay vòng vốn nhanh vì vốn vay chứng khoán cũng có tính thanh khoản cao. Với những NH này, hạn mức cho vay thoáng hơn và điều kiện thế chấp cũng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên các NH cổ phần có vốn lớn như ACB, Eximbank, Sacombank… cho biết vẫn khá thận trọng đối với cho vay kinh doanh chứng khoán.
Theo ông Bùi Tấn Tài, Phó Tổng giám đốc ACB, bản thân NHTM không mở rộng dịch vụ cho vay chứng khoán và room cho vay của NH vẫn còn khá nhiều. Danh mục cổ phiếu nhà đầu tư được cầm cố để vay vốn kinh doanh cổ phiếu phải nằm trong danh mục được ACB lựa chọn, với các mã chứng khoán thanh khoản cao. Lãi suất cho vay cầm cố chứng khoán được ACB áp dụng như lãi suất tín dụng khách hàng cá nhân.
Một lãnh đạo của Eximbank cho biết lãi suất cho vay cầm cố chứng khoán của NH hiện khoảng 14-15%/năm, bằng lãi suất cho vay tiêu dùng. Nhưng NH kiểm soát chặt chất lượng cầm cố, cho vay hạn mức không quá 3 lần mệnh giá. Do vậy, tín dụng cho vay cầm cố tại NH không cao.
Nhiều NH khác như OCB, DongABank… cho biết vẫn hạn chế cho vay ở lĩnh vực này. Các NH có công ty chứng khoán trực thuộc trước nay có thể bơm vốn để triển khai cho vay. Tuy nhiên, với quy định mới này các NH sẽ chỉ cho vay trực tiếp dưới sự giám sát chặt chẽ về quy trình thẩm định, điều kiện cho vay.
Đến nay nhiều NH đã ngưng bơm vốn cho vay đầu tư chứng khoán. Hầu hết các công ty chứng khoán phải sử dụng vốn tự có để cho vay nên hạn mức cho vay đối với nhà đầu tư cũng hạn chế hơn.
Lãnh đạo của công ty chứng khoán HSC cho biết hiện nay công ty cho khách hàng vay cầm cố, ứng tiền mua chứng khoán, repo… cũng chỉ bằng vốn tự có nên hạn mức cho vay cũng có hạn chế. Hiện công ty đang tìm nguồn vốn từ các NH quốc doanh có “room” cho vay lớn để hợp tác. Tuy nhiên, điều này cũng không dễ dàng bởi những NH có vốn lớn như BIDV, Vietcombank… luôn thận trọng đối với tín dụng chứng khoán.
Nhiều nguồn tin cho rằng sắp tới NHNN sẽ có thêm những quy định mới về cho vay chứng khoán, trong đó liên quan đến vốn đối ứng tham gia của nhà đầu tư cũng như thời hạn vay cho vay của NH.
Tuy nhiên, thị trường vốn nước ta còn non trẻ, trong khi nguồn vốn dài hạn trong nền kinh tế lại rất hạn chế. Việc có những quy định chặt chẽ hơn đối với cho vay chứng khoán là cần thiết nhưng cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua, bán, chuyển nhượng cổ phần nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư vào cổ phiếu.
Dịu Ngân