Singapore với chiến lược phát triển kinh tế mới

Trong bối cảnh môi trường toàn cầu đầy thách thức, vẫn có nhiều cơ hội để Singapore đổi mới, phát huy được tiềm năng, duy trì kết nối và giữ được sự gắn kết với thế giới. Tuy nhiên, tất cả vẫn phải tùy thuộc vào năng lực và khả năng thích ứng với những diễn biến khó đoán của kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh môi trường toàn cầu đầy thách thức, vẫn có nhiều cơ hội để Singapore đổi mới, phát huy được tiềm năng, duy trì kết nối và giữ được sự gắn kết với thế giới. Tuy nhiên, tất cả vẫn phải tùy thuộc vào năng lực và khả năng thích ứng với những diễn biến khó đoán của kinh tế toàn cầu.

Đây là nhận định của Ủy ban Kinh tế tương lai (CFE), một hội đồng gồm 30 thành viên đứng đầu các cơ quan kinh tế chủ chốt tại Singapore. Nhận định được đưa ra trong buổi công bố bản báo cáo bao gồm 7 chiến lược đệ trình lên Thủ tướng Lý Hiển Long nhằm thúc đẩy nền kinh tế nước này tiếp tục phát triển.

Theo đó, 7 chiến lược mới sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Đào sâu và đa dạng hóa các kết nối quốc tế nhằm tăng cường liên kết với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới; hình thành các kỹ năng chuyên sâu cho người lao động; tăng cường năng lực doanh nghiệp để đổi mới và mở rộng quy mô; tạo lập một nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ; xây dựng một thành phố sôi động và kết nối các cơ hội; chuyển đổi cơ cấu thúc đẩy các ngành công nghiệp; xây dựng các quan hệ đối tác để cùng nhau phát triển và đổi mới. Trong báo cáo, CFE khuyến nghị chính phủ cần thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư, tận dụng việc giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan thông qua các sáng kiến như Cộng đồng kinh tế ASEAN hay các hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực; thành lập một liên minh đổi mới toàn cầu để tạo sự gắn kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy sự đổi mới. Bên cạnh đó, những lộ trình phát triển các ngành công nghiệp cụ thể cần tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của từng ngành, tập trung thành các cụm sao cho sự chuyển đổi của một ngành công nghiệp có thể tạo ra sự tác động lan tỏa tích cực đến những ngành, lĩnh vực khác. Chính phủ cần thúc đẩy tạo lập một môi trường để hỗ trợ đổi mới và chấp nhận rủi ro trong khu vực tư nhân và công cộng.

Lý giải về việc đưa ra các chiến lược mới này, CFE cho rằng điều lo ngại nhất là chính sách bảo hộ ngày càng tăng ở châu Âu và Mỹ, dẫn đến xu hướng chống toàn cầu hóa sẽ làm suy yếu thương mại quốc tế, gây tổn thương cho Singapore - một nền kinh tế nhỏ nhưng lại có độ mở lớn. Để hoàn thành bản báo cáo, các thành viên CFE đã dành 1 năm để thảo luận cùng 9.000 người lao động, các nghiệp đoàn, công ty và các đơn vị phụ trách thương mại. Bản báo cáo này đã nhận được sự đồng tình của Thủ tướng Lý Hiển Long và ông cho biết, chính phủ sẽ theo đuổi tất cả các mục tiêu mà bản báo cáo đề cập tới.

Trong năm 2016, nền kinh tế Singapore cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái theo chu kỳ toàn cầu. Ước tính từ Bộ Thương mại và Công nghiệp cho thấy, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2016 dao động trong khoảng từ 1% - 1,5%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2009. Là một trong những quốc gia châu Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, Chính phủ Singapore đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu những “cơn gió ngược” từ bên ngoài và tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới nhằm gia tăng tổng thu nhập trong điều kiện dân số già hóa và thương mại không ổn định.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục