Sinh mổ ảnh hưởng thế nào đến nguồn sữa mẹ?

Đảm bảo nguồn sữa cho con bú đang là vấn đề được các bà mẹ rất quan tâm, nhất là trong tình trạng chất lượng nhiều loại sữa trên thị trường đáng báo động như hiện nay. Tuy nhiên, làm thế nào để giữ nguồn sữa sau sinh, nhất là sinh mổ? Tình trạng tắc sữa sớm và không có sữa cho con bú ở nhiều bà mẹ hiện nay, liệu có phải do sinh mổ? Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS-BS Vũ Thị Nhung – Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Hùng Vương về vấn đề này.

- PV: Bác sĩ có thể cho biết về kỹ thuật mổ lấy thai (MLT) và tỷ lệ MLT hiện nay tại Việt Nam?

PGS-TS-BS VŨ THỊ NHUNG: Sinh đẻ là hiện tượng sinh lý bình thường. Trong đa số các trường hợp, cuộc sinh sẽ được thực hiện qua ngã âm đạo. Tuy nhiên, khi có những trở ngại trong thời gian chuyển dạ, để đảm bảo an toàn cho mẹ và con, ta phải dùng đến phương pháp MLT. Phẫu thuật lấy thai được thực hiện qua một vết mổ ở thành bụng và thành tử cung nhằm mục đích đem thai nhi, bánh nhau và màng ối ra ngoài.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ MLT tăng 5%-7% trong những năm 1970, lên đến 25% năm 2003. Tại Việt Nam, tỷ lệ MLT vào những năm 60 ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương là 9%, đến năm 2005 con số này tăng lên gần 40%; tại Bệnh viện Hùng Vương tỷ lệ này trong năm 2007 là 30,86% và 8 tháng đầu năm 2008 là 31,78% (trong tổng số ca sinh là 21.797 ca). WHO cũng đã đưa ra khuyến cáo: tốt nhất nên duy trì tỷ lệ MLT ở mức < 15%. Khi tỷ lệ này vượt trên 15% thì tai biến sẽ xảy ra nhiều hơn cho mẹ và con.

- Những tai biến đó là gì, thưa bác sĩ?

Người ta thường lầm tưởng MLT là an toàn tuyệt đối. Thực tế cho thấy tỷ lệ tử vong mẹ và con ở các trường hợp MLT cao hơn các trường hợp sinh thường. Những nguy cơ của MLT là do tai biến gây tê, gây mê, do chảy máu, nhiễm trùng; tai biến trong phẫu thuật như tổn thương bàng quang, rách thêm vết mổ tử cung, tổn thương đường tiết niệu. Ngoài ra, sẹo mổ trên tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con, nhất là thời gian giữa 2 kỳ mang thai quá gần; tai biến còn phải kể đến nữa là bệnh lạc nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột, tăng nguy cơ nhau tiền đạo… Chính vì những điều này mà kỹ thuật MLT chỉ nên sử dụng khi việc sinh qua ngã âm đạo có nguy cơ ảnh hưởng đến mẹ hoặc con, hoặc cả hai. Những ca MLT không vì lý do y khoa là vi phạm y đức.

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là so với trường hợp sinh thường, thời gian nằm viện của sản phụ MLT sẽ dài hơn, tốn kém hơn, đau đớn hơn và sự chăm sóc, cho con bú cũng bị ảnh hưởng.

- Cụ thể là bị ảnh hưởng như thế nào?

Sau khi sinh, bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ. Đối với những bà mẹ sinh thường thì có thể cho con bú ngay trong vòng 30 phút đến 1 giờ sau sinh. Đối với những bà mẹ MLT thì thời gian cho con bú sẽ chậm hơn (khoảng 6 giờ sau khi sinh mổ) và cứ 2 tiếng thì nên cho con bú một lần. Tuy nhiên, có một số bà mẹ sau khi sinh mổ thường bị đau bởi vết mổ, nên phải rất lâu sau đó mới cho con bú được và cũng không thể duy trì việc cho con bú theo đúng nguyên tắc.

Ngoài ra, khi MLT, các bác sĩ có thể sẽ cho người mẹ dùng một số kháng sinh chống chỉ định với con, nên trong thời gian dùng thuốc, người mẹ sẽ không thể cho con bú. Việc cho con bú ít hay chậm đi, làm cho sữa mẹ của người sinh mổ không tốt bằng sinh thường. Cho trẻ bú muộn thì trẻ sẽ không nhận được sữa non – nguồn dinh dưỡng rất tốt với trẻ. Trong sữa non có nhiều sinh tố A chống được bệnh khô mắt, nhiều kháng thể giúp cơ thể bé chống được nhiễm khuẩn, giúp bé đỡ vàng da. Ngoài ra, cho trẻ bú muộn sẽ làm chậm sự tiết sữa của bà mẹ.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là việc người mẹ phải đi làm sớm sau sinh. Đây là một trong nhiều yếu tố hạn chế việc giữ nguồn sữa mẹ!

Kim Liên (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục