Sinh viên khó tìm việc làm do thiếu thông tin dự báo nguồn nhân lực

(SGGPO).– Vừa qua, nhiều cử tri ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất bức xúc về vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học. Nhiều nông dân tốn kém cho con học đại học, nhưng sau khi tốt nghiệp lại không tìm được việc làm hoặc có việc làm thì không đúng chuyên ngành đã được đào tạo, không giúp đỡ được cha mẹ nên kinh tế gia đình càng khó khăn (nhiều gia đình đã phải vay mượn, thậm chí bán cả ruộng đất, đi làm thuê để lấy tiền cho con học đại học).       

Bức xúc này đã được gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận. Trong văn bản trả lời cử tri của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, Bộ trưởng thừa nhận, nguyên nhân chủ quan của tình trạng sinh viên thất nghiệp là do các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo chưa xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động; việc đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành, trường đào tạo là do học sinh tự quyết định, tuy nhiên lại thiếu thông tin dự báo nguồn nhân lực, thông tin về thị trường lao động….

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thời gian qua, để hỗ trợ sinh viên tìm việc làm, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể giải quyết việc làm cho sinh viên đại học, cao đẳng tốt nghiệp trong và ngoài nước nhưng chưa có việc làm.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch và Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng quy hoạch nhân lực cho từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương, tạo cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực cho các nhà trường. Các bộ, ngành như: Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho từng ngành.

Về phía Bộ GD-ĐT, đến nay đã có 150 trường đại học, cao đẳng thành lập trung tâm tư vấn việc làm. Bộ cũng phối hợp với các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn (như các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) để đào tạo nguồn nhân lực đặc thù của từng địa phương. Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực. “Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT đã thông báo tình hình đào tạo các ngành nghề và tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” (như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán…), đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hạn chế thành lập mới các trường đại học đào tạo các ngành này”, Bộ trưởng cho biết.

Ngoài ra, để bảo đảm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tăng lên, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thị trường lao động; giảm quy mô đào tạo không chính quy (bằng 50% chính quy); củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo liên thông…

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục