SNG nhất trí thành lập “NATO” ở Trung Á

Ngày 17-10, hãng Reuters đưa tin lãnh đạo các quốc gia thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đã nhất trí thành lập một lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp tương tự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), gồm các nước thuộc Liên Xô cũ, để đảm bảo an ninh biên giới tại khu vực Trung Á trong bối cảnh mối đe dọa từ Taliban ở Afghanistan ngày một lớn.
SNG nhất trí thành lập “NATO” ở Trung Á

Ngày 17-10, hãng Reuters đưa tin lãnh đạo các quốc gia thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đã nhất trí thành lập một lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp tương tự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), gồm các nước thuộc Liên Xô cũ, để đảm bảo an ninh biên giới tại khu vực Trung Á trong bối cảnh mối đe dọa từ Taliban ở Afghanistan ngày một lớn.

Các nhà lãnh đạo SNG thể hiện quyết tâm bảo vệ an ninh tại Trung Á

Mối lo từ khủng bố

Quyết định được đưa ra tại cuộc họp của SNG ở Kazakhstan. Văn bản cuộc họp thượng đỉnh nêu rõ, các nước thuộc SNG nhất trí thành lập nhóm các lực lượng biên giới và các thể chế khác từ các nước thành viên SNG nhằm giải quyết tình hình khủng hoảng ở biên giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay: “Tình hình thực tế tại Afghanistan là đặc biệt nguy hiểm. Các nhóm khủng bố đang ngày càng giành nhiều ảnh hưởng và không giấu giếm ý đồ bành trướng. Một trong những mục tiêu của chúng là thâm nhập vào khu vực Trung Á”. Mới đây nhất là sự kiện Taliban tấn công, chiếm giữ TP Kunduz ở phía Bắc Afghanistan, cách không xa khu vực biên giới với Uzbekistan vào tháng trước. Các phần tử khủng bố chỉ bị đánh bật khỏi Kunduz sau khi các lực lượng của Afghanistan, dưới sự hỗ trợ của không lực Mỹ tấn công. Mátxcơva và các quốc gia ở khu vực Trung Á vô cùng quan ngại về viễn cảnh Taliban vùng dậy mạnh mẽ khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Ngoài ra, theo Tổng thống Nga, việc có khoảng từ 5.000-7.000 công dân của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đang chiến đấu trong lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq là một mối lo nữa cho an ninh Trung Á. Các vụ việc như Babur Israilov, người Kyrgyzstan, đánh bom liều chết tại Syria hồi tháng 9 vừa qua hay vụ giết hại 3 lính gác trong vụ vượt ngục bất thành của một nhóm các phần tử bị kết tội khủng bố ở Bishkek, Kyrgyzstan ngày 16-10 là hồi chuông cảnh báo về hiểm họa khủng bố ở Trung Á.

Nga củng cố vị thế trong khu vực

Giới quan sát nhận định kế hoạch thành lập “lực lượng NATO ở Trung Á” đặc biệt đáng chú ý khi diễn ra ngay sau khi Mỹ thông báo duy trì 9.800 lính Mỹ tại Afghanistan đến hết năm 2016. Sergei Lebedev, thư ký điều hành SNG, cho biết Tajikistan, nước giáp với Afghanistan, có thể là địa điểm triển khai của lực lượng hỗn hợp. Động thái trên có thể đồng nghĩa với việc quân đội Nga, thuộc một phần của lực lượng tập thể, sẽ được triển khai tới biên giới với Afghanistan, khi lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu dần rút khỏi nước này, để lại khoảng trống quyền lực.

Văn bản cuộc họp thượng định ở Kazakhstan không nêu chi tiết về thành phần lực lượng hỗn hợp ra sao nhưng chắc chắn một điều rằng quân đội của Nga sẽ phải đóng vai trò cốt yếu trong lực lượng này. Arkady Dubnov, một chuyên gia phân tích chính trị của Nga, cho rằng kế hoạch thành lập lực lượng hỗn hợp tại Trung Á có thể do Nga đứng đầu nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trong khu vực cho thấy sự ảnh hưởng lớn của Nga. Việc tăng cường sự hiện diện sẽ giúp Nga củng cố hơn nữa vị trí của mình tại Trung Á.

Phản ứng trước thông tin Mỹ tạm hoãn rút quân khỏi Afghanistan, Taliban cảnh báo việc Mỹ duy trì hàng ngàn quân tại Afghanistan không có ích gì trong việc ngăn cản sự phát triển nhanh mạnh về lực lượng của Taliban cũng như các cuộc giao tranh. Trước họa khủng bố đối với an ninh Trung Á, rất nhiều chuyên gia nhận định các nước tại khu vực này đang thực sự cần đến sự hỗ trợ sức mạnh quân sự từ Nga để đảm bảo an toàn cho mỗi quốc gia.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục