Sở Công thương TPHCM: Hai năm chỉ kiểm nghiệm 41 mẫu thực phẩm

Chiều 16-3, tại Sở Công thương TPHCM, Đoàn giám sát HĐND TPHCM do đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP trong hai năm 2015 và 2016.

(SGGP).- Chiều 16-3, tại Sở Công thương TPHCM, Đoàn giám sát HĐND TPHCM do đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP trong hai năm 2015 và 2016.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Phòng quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết, trong hai năm qua sở đã tham mưu cho Bộ Công thương, UBND TP các văn bản, kế hoạch chỉ đạo để triển khai thực hiện kịp thời các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn TP; xây dựng và triển khai các chương trình, đề án đảm bảo ATTP (chợ thí điểm đảm bảo ATTP, đề án chuỗi thực phẩm an toàn,…); bên cạnh đó, hoạt động thanh kiểm tra cũng được sở quan tâm và chú trọng, xử lý nhiều vụ vi phạm về thực phẩm ngoại nhập lậu, hàng hóa không có chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP; kiểm soát được mức ATTP tại 240 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối, 186 siêu thị và 882 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP….

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại một quầy thịt. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, khi các đại biểu chất vấn quá trình lấy mẫu giám sát, thanh tra về ATTP của Sở còn quá ít, trong 2 năm chỉ kiểm nghiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra 41 mẫu (năm 2015, lấy 22 mẫu tại 11 cơ sở với kết quả kiểm nghiệm 21/22 mẫu đạt (chiếm tỷ lệ đạt 99,5%) và năm 2016 thực hiện lấy 19 mẫu nước giải khát và bánh trung thu với kết quả 19 mẫu đều đạt. Lý giải về điều này, đại diện sở cho rằng, do công tác kiểm soát, phối hợp giữa Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan còn bị động; công tác kiểm tra xác nhận ATTP đối với các hộ sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc ngành công thương quản lý chưa được phân công, phân cấp cụ thể cho cơ quan nào phụ trách nên nhiều địa phương trên địa bàn TPHCM gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Đức Hải đề xuất Sở Công thương cần tăng cường quản lý, tuyên truyền hơn nữa các mô hình, giải pháp mà ngành đang làm cho người dân biết; thường xuyên thanh tra, kiểm tra các mặt hàng được bày bán tại chợ, yêu cầu người tiểu thương phải nắm được hàng hóa mà họ đang bày bán. Đặc biệt vấn đề truy xuất nguồn gốc rượu cũng phải chú trọng và được đặt lên hàng đầu, cần phải xây dựng bộ quy chuẩn về sản xuất rượu, tuyên truyền cho người sản xuất biết để sản xuất rượu an toàn cùng với đó là phải tăng cường thanh tra, tăng cường lấy mẫu và tăng cường mức phạt với những cơ sở vi phạm.

THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục