Thời gian qua, tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương (đường Nguyễn Lâm, phường 6 quận 10) xôn xao với việc ban quản lý chợ chuẩn bị ký hợp đồng sử dụng quầy, sạp. Một chị bán quần áo may sẵn cho biết, bà con tiểu thương ở chợ khá bức xúc với nội dung của bản hợp đồng bởi nhiều lý do.
Trước tiên, có cần thiết ký hợp đồng hay không khi chợ Nguyễn Tri Phương là chợ truyền thống, được xây dựng từ năm 1952 và có nhiều hộ đã trải qua 3 đời là tiểu thương mua bán ở chợ này? Việc ký hợp đồng tại thời điểm này đã làm bà con phỏng đoán chính quyền quận 10 chuẩn bị giải tỏa chợ để xây dựng công trình nào đó (?!).
Phần đông bà con tiểu thương cho biết, nếu chính quyền xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, bệnh viện hay công viên, bà con đều đồng tình hỗ trợ và trả lại mặt bằng quầy nhưng nếu xây dựng mới trung tâm thương mại, dịch vụ, cao ốc văn phòng, lúc đó quyền lợi và nghĩa vụ của tiểu thương sẽ được giải quyết ra sao?
Chợ Nguyễn Tri Phương là chợ có từ lâu đời và vào những năm 1990 của thế kỷ trước, hơn 200 tiểu thương đã hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa chợ. Vì vậy, tiểu thương mong muốn được ký hợp đồng sở hữu quầy, sạp và khi chính quyền giải tỏa, lấy lại mặt bằng để xây dựng các công trình khác thì cần phải tính toán giải quyết hợp lý quyền lợi của các tiểu thương.
Tuy nhiên, đất đai là sở hữu của nhà nước, người dân chỉ sở hữu các công trình trên phần đất đó và Nghị định 02/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ cũng không quy định ban quản lý chợ ký hợp đồng sở hữu với tiểu thương. Khoản 2 Điều 8 và khoản 5 Điều 9 của nghị định này nêu rõ: “Ban quản lý chợ có trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước và các hoạt động trong phạm vi chợ của một hoặc một số chợ; thực hiện ký hợp đồng với thương nhân về thuê, sử dụng điểm kinh doanh…; ký hợp đồng với các thương nhân về sử dụng điểm kinh doanh tại chợ và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật”.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Chủ tịch UBND quận 10, cho biết thêm: “Ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương tổ chức ký hợp đồng với bà con tiểu thương chỉ nhằm mục đích xác nhận quyền sử dụng của bà con. Tờ hợp đồng nêu rõ bà con tiểu thương được quyền chuyển nhượng, cho, tặng và thậm chí là thế chấp ngân hàng để vay vốn. Tại thời điểm này, việc bức xúc của bà con tiểu thương về việc giải tỏa hay xây dựng mới là đúng và có cơ sở. Nhưng theo quy hoạch từ nay đến năm 2020, quận 10 không xây dựng thêm chợ và chợ Nguyễn Tri Phương vẫn tiếp tục tồn tại, hoạt động bình thường. Sau đó, nếu có chuyển đổi mục đích thì quyền lợi của các tiểu thương, đặc biệt các tiểu thương hỗ trợ kinh phí sửa chữa chợ đương nhiên có quyền lợi đặc biệt hơn”.
Dù sao, UBND quận 10 và Ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương cần có cuộc họp với tất cả tiểu thương để bàn bạc và thông báo rõ ràng việc ký hợp đồng sử dụng quầy, sạp. Khi các quyền lợi đều được giải quyết ổn thỏa và hợp tình hợp lý, mọi việc sẽ được tiến hành suôn sẻ.
Đoàn Hiệp