Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM: 35 năm tự hào phát triển khoa học, công nghệ

Trong không khí ấm áp và tràn đầy niềm vui của buổi lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở và nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên đã cùng nhau ôn lại chặng đường dài với nhiều khó khăn, thăng trầm nhưng cũng đầy tự hào. Ra đời từ ngày 6-8-1976 với tên gọi đầu tiên là Ban Khoa học và Kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM ngày nay đã thực sự chuyển mình mạnh mẽ, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố và đất nước.

Trong không khí ấm áp và tràn đầy niềm vui của buổi lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở và nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên đã cùng nhau ôn lại chặng đường dài với nhiều khó khăn, thăng trầm nhưng cũng đầy tự hào. Ra đời từ ngày 6-8-1976 với tên gọi đầu tiên là Ban Khoa học và Kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM ngày nay đã thực sự chuyển mình mạnh mẽ, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố và đất nước.

Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM: 35 năm tự hào phát triển khoa học, công nghệ ảnh 1

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì

Tự hào nhìn lại

Điểm lại quá trình hình thành và phát triển Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, PGS-TS Phan Minh Tân luôn nở nụ cười tươi. Bởi qua mỗi chặng đường, mỗi thế hệ lãnh đạo, cán bộ viên chức Sở luôn đồng hành cùng đội ngũ các nhà khoa học để kế thừa, phát huy những tiềm lực khoa học sẵn có của thế hệ đi trước, tạo dựng bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (KHCN) rộng khắp tới các quận huyện, kết nối bền chặt. Bằng sự đồng lòng ấy, Sở tiếp tục là cơ quan tham mưu cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nhân lực KHCN cho thành phố… luôn giữ vững và phát huy vai trò là trung tâm KHCN khu vực phía Nam và cả nước.

Có thể kể ra những đề xuất, giải pháp mới mang lại thành công lớn mà Sở là người tiên phong như: Triển khai hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000; Chợ thiết bị công nghệ; Xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung… Đặc biệt, trong giai đoạn 2006-2010, khi kinh tế đất nước hòa nhập quốc tế mạnh mẽ, Sở đẩy mạnh phát triển công nghệ cao, xây dựng nên một số tổ chức đạt trình độ như các nước phát triển trong khu vực và thế giới như: Trung tâm R&D Khu Công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Nghiên cứu thiết kế vi mạch, Phòng Thí nghiệm Công nghệ Nano, Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ…

Công tác đầu tư nghiên cứu khoa học cũng được tổ chức hướng vào thực tế cuộc sống, gần gũi với đời sống sản xuất, canh tác của người dân, nhất là những người dân nghèo ở các huyện vùng ven thành phố, các xã, các huyện nghèo ở Tây Ninh, Quảng Nam, Tiền Giang… hay tận mũi Cà Mau. Nhờ cái tâm và sự nỗ lực của những người làm khoa học thành phố, bà con trồng mía ở Tây Ninh đã bớt mướt mồ hôi trên cánh đồng nắng gắt, với máy trồng mía, máy thu hoạch mía, máy bón phân… Bà con ở bán đảo Cần Giờ quen sống với ánh đèn dầu đã có thể sử dụng điện nhờ những tấm pin mặt trời, những máy phát điện chạy nhờ sức gió biển. Những nông dân ở Củ Chi kiên cường, nghèo khó giờ được thảnh thơi phát triển đàn bò sữa, những cánh đồng trước đây chằng chịt hố bom, giờ xanh mướt cỏ voi… Rồi cả thành phố cũng như các thế hệ mai sau được hưởng lợi nhờ những khoảng rừng phòng hộ được phục hồi, thành vành đai xanh bảo vệ cuộc sống… Riêng về hoạt động quản lý hành chính của Sở, theo ông Nguyễn Tường Minh, Tổng Thư ký Hội Chống gian lận thương mại và Hỗ trợ người tiêu dùng TPHCM (AFCA), mỗi khi có dịp cần thông tin hành chính và hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức xã hội, đích thân các lãnh đạo của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM luôn tận tình chỉ dẫn, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn. Cách làm việc của lãnh đạo Sở, Văn phòng Sở luôn tạo ra sự gần gũi, thân thiện, không quan cách, tạo niềm tin và sự tín nhiệm của mọi người”- đại diện AFCA cho biết.

Xây dựng nền kinh tế tri thức

PGS-TS Phan Minh Tân nói về những mục tiêu của Sở trong vòng 9 năm sắp tới, đó là phải xây dựng và phát triển được nguồn nhân lực có trình độ cao, sẵn sàng nghiên cứu, sáng tạo công nghệ mới, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ trí thức thỏa sức sáng tạo.

KHCN không phải là những câu chữ, phép tính “trên trời” mà luôn phải gắn chặt vào thực tế cuộc sống. Sở sẽ làm điều này bằng việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm của KHCN, giúp doanh nghiệp cập nhật, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, Sở cũng sẽ làm vai trò liên kết giữa nhà khoa học và nhà doanh nghiệp, kết nối những viện, trường, trung tâm, các tổ chức nghiên cứu với các cơ sở sản xuất, kinh doanh… Trong kế hoạch dài hơi này, mong muốn của Sở là góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức cho thành phố và cả nước, xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển đất nước. Đại diện UBND TPHCM, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà đã đánh giá cao những đóng góp của các cán bộ, công chức của Sở qua các thời kỳ, khẳng định rằng Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM là trung tâm phát triển KHCN lớn nhất cả nước. Ông Hà cũng mong muốn Sở sẽ luôn nỗ lực, sáng tạo để đưa KHCN trở thành lực lượng sản xuất quan trọng của thành phố.

Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã khẳng định Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM luôn là đơn vị đứng đầu về hoạt động khoa học và công nghệ của cả nước, là địa chỉ tin cậy mà cơ quan Bộ luôn gửi gắm niềm tin.

Trong lễ kỷ niệm 35 năm thành lập, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã vinh dự tiếp đón ông Nguyễn Quân, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Phan Thanh Bình, Ủy viên TW Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP cùng đông đảo các nhà khoa học, đại diện các viện, trường, doanh nghiệp, đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, TP khu vực phía Nam.

Cũng trong dịp này, Sở đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì. Bà Trương Thùy Trang (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM), bà Hoàng Thị Chúc (Chánh văn phòng Sở), bà Phan Thu Nga (Trưởng phòng Quản lý Khoa học) và ông Khuất Duy Vĩnh Long (Trưởng phòng Quản lý Công nghệ) cũng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

K.G.Đ

Tin cùng chuyên mục