Số người tham gia BHYT giảm mạnh

Thủ tục phiền hà
Số người tham gia BHYT giảm mạnh

(SGGP).- Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trong cả nước chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015 đã giảm 1,2 triệu người so với năm ngoái và có thể không đạt được mục tiêu 75% dân số nước ta có thẻ BHYT trong năm nay… Đây là những thông tin đáng lo ngại được công bố tại buổi họp báo, cung cấp thông tin sau 4 tháng triển khai Luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức ngày 12-5 tại Hà Nội.

Thủ tục phiền hà đang khiến cho người dân “quay lưng” với BHYT.

Thủ tục phiền hà

Theo Bộ Y tế, đến hết năm 2014, cả nước đã có tới 64,470 triệu người dân tham gia BHYT, chiếm gần 72% dân số. Tuy nhiên, đáng báo động là tính đến tháng 4-2015, số người tham gia BHYT trong toàn quốc không những không tăng lên mà còn giảm mạnh chỉ còn 63,250 triệu người, tương đương với khoảng 1,2 triệu người không tham gia BHYT nữa. Ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam lo ngại cho biết, trong số những đối tượng tham gia BHYT giảm nhiều nhất là những người phải tự bỏ tiền mua thẻ trong các hộ gia đình với tỷ lệ giảm 15%.

Lý giải về số người tham gia BHYT ở nước ta bỗng dưng giảm nhanh, ông Bằng cho biết nguyên nhân chính là việc Luật BHYT sửa đổi có quy định từ 1-1-2015, người dân bắt buộc phải tham gia BHYT và với những người phải tự bỏ tiền ra mua thẻ BHYT thì phải tham gia theo hộ gia đình. Cùng với đó là do người dân chưa hiểu rõ quy định mới về việc tham gia BHYT hộ gia đình. Thậm chí ngay bản thân chính quyền nhiều địa phương cũng chưa hiểu rõ, thực hiện máy móc dẫn đến không ít thủ tục phiền hà cho dân. “Một số địa phương thực hiện các quy định một cách máy móc nên thủ tục đăng ký mua thẻ BHYT còn phiền hà. Luật BHYT sửa đổi quy định từ ngày 1-1-2015 bắt buộc phải tham gia BHYT theo hộ gia đình. Thế thì đối với những người đi công tác xa, công tác nước ngoài, vậy trong gia đình đó, người ở nhà căn cứ vào đâu để lập danh sách mua thẻ BHYT theo hộ gia đình? Thế là chính quyền xã, phường yêu cầu phải photo giấy tạm trú, tạm vắng và photo thẻ BHYT của những người đã tham gia. Chính từ những thủ tục phiền hà đó mà đã góp phần làm giảm tỷ lệ người tham gia BHYT…” - ông Bằng nhấn mạnh. Không chỉ có thủ tục phiền hà mà sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương vận động người dân tham gia BHYT cũng chưa quyết liệt, dẫn đến có những địa phương mới chỉ có 34% tham gia BHYT, ngay cả đối tượng phải tham gia BHYT bắt buộc là học sinh cũng có một số ít tỉnh thành mới chỉ đạt 75%.

Thủ tục phiền hà đang khiến cho người dân “quay lưng” với BHYT.

Loay hoay tìm cách gỡ rối

Không chỉ có BHXH Việt Nam thừa nhận quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình đang gây ra không ít khó khăn, phiền hà cho người dân mà ngay cả phía Bộ Y tế cũng cho rằng bản thân các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện BHYT hộ gia đình cũng còn nhiều điều chưa rõ, nhiều quy định khó thực hiện. Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, mới đây, liên ngành Y tế - BHXH đã tổ chức 7 đoàn kiểm tra thực hiện Luật BHYT tại 10 tỉnh thành và đã phát hiện nhiều khó khăn vướng mắc về việc lập danh sách thành viên hộ gia đình tham gia BHYT. Theo đó, ngày 12-3-2015, BHXH Việt Nam có công văn hướng dẫn một số nội dung về tham gia BHYT, trong đó có mẫu “Thống kê thành viên hộ gia đình tham gia BHYT”. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, đa số các xã/phường chưa triển khai lập danh sách thành viên hộ gia đình tham gia BHYT theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Cụ thể, các địa phương phản ánh, theo công văn 777/BHXH-BT ngày 12-3-2015 của BHXH Việt Nam hướng dẫn: “Đối với người đang tham gia BHYT vẫn có tên trong sổ hộ khẩu, ví dụ: đi nước ngoài, ly hôn… thì trưởng thôn/bản/tổ dân phố yêu cầu hộ gia đình phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy ly hôn… để chứng minh”. Thế nhưng quy định này không thực hiện được với lý do khi một người đi khỏi địa bàn xã thì địa phương cấp giấy tạm vắng cho bản thân người đó để mang đến đăng ký tạm trú tại địa phương khác. Như vậy, hộ gia đình không có giấy tạm vắng của người tạm vắng để trình với trưởng thôn, bản, tổ theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
Ông Lê Văn Khảm cho biết, trước quy định về mức đóng BHYT theo hộ gia đình, người dân và chính quyền một số địa phương đã kiến nghị được đóng BHYT thành nhiều đợt, hoặc đóng 6 tháng một lần để giảm mức tiền phải đóng 1 lần/năm, giảm gánh nặng cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, trước đề nghị trên, ông Vũ Xuân Bằng cho rằng, BHXH Việt Nam cũng đã cân nhắc đến việc cho người dân đóng BHYT 6 tháng 1 lần. “Tuy nhiên cái khó là thẻ BHYT cấp 1 năm/lần, nếu cho người dân đóng 6 tháng 1 lần thì 6 tháng sau, khi họ đã có thẻ rồi, làm thế nào để đảm bảo thu đủ được số tiền mà họ chưa đóng…” - ông Bằng bày tỏ. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng tính đến phương án phối hợp với chính quyền các địa phương và nếu các địa phương cam kết có thể thực hiện thu đủ được số tiền đóng BHYT nếu cho phép người dân đóng nhiều lần thì sẽ cho thực hiện.

BHYT theo hộ gia đình là quy định mới nhằm đảm bảo sự công bằng, hạn chế tình trạng chỉ có người đau ốm mới tham gia BHYT, góp phần gia tăng tỷ lệ bao phủ BHYT một cách bền vững. Khi tham gia theo hộ gia đình thì được giảm mức đóng BHYT, cụ thể từ người thứ 2 trong hộ gia đình tham gia BHYT sẽ được giảm 30% mức đóng, người thứ 3 tham gia được giảm 40% mức đóng, người thứ 4 tham gia được giảm 45% mức đóng, người thứ 5 tham gia được giảm 50% mức đóng. Như vậy, bình quân một gia đình có 5 người tham gia BHYT chỉ phải đóng khoảng gần 2 triệu đồng/năm. Tuy nhiên đối với người dân ở khu vực nông thôn đây vẫn là một khoản chi phí khá lớn và đây cũng là hàng rào cản trở, hạn chế nhiều người tham gia BHYT.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục