Sổ tay: Cần quyết tâm cao, chỉ đạo đồng bộ

Việc TPHCM cho đầu tư hai chiếc xe buýt sử dụng khí CNG, là nguồn nhiên liệu không gây ô nhiễm môi trường, được khai thác và sản xuất trong nước, có mức độ an toàn về cháy nổ khi sử dụng cao hơn và giá thành rẻ hơn so với xăng dầu, là một bước nhìn xa trông rộng. Chẳng thể nhắm mắt là ngơ trước thực trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP ngày một nặng nề, đặc biệt là khói bụi từ các loại phương tiện giao thông gây nên.

Cảnh báo từ các nhà khoa học, nồng độ bụi trong không khí có thời điểm vượt chuẩn cho phép 4-5 lần; tổng lượng hạt bụi từ nguồn khí thải khoảng 60.000 tấn/năm, trong đó 80% là từ khí thải của các phương tiện giao thông; trong số thành phần bụi có loại hợp chất hữu cơ thơm đa vòng (PAHs) từ khói thải xe sử dụng nguyên liệu xăng dầu, có tác nhân gây bệnh ung thư và biến đổi gien rất nguy hiểm…

Nguồn xăng dầu trên thế giới lại ngày một khan hiếm và giá cả biến động khó lường… Thế nhưng, vì tính toán chưa kỹ thời điểm, khi hai chiếc xe buýt về đến nơi thì nguồn khí và toàn bộ hệ thống hạ tầng cung cấp nguyên liệu cho loại xe buýt này sử dụng chưa sẵn sàng, khiến hai chiếc xe buýt đang trong tình trạng phải “trùm mền” nằm đó, đã làm giảm nhiệt huyết phong trào sử dụng xe buýt nhiên liệu sạch đang được khởi động.

Với diễn biến hiện nay, việc đưa xe buýt sử dụng nguyên liệu sạch như khí CNG vào hoạt động trên diện rộng có lẽ cũng còn phải chờ thời gian và quyết tâm của nhiều phía. Ngành dầu khí cho biết khả năng năm 2009 có thể cung ứng 50 triệu m3 khí CNG/năm và năm tới sẽ là 120 triệu m3/năm, trong khi một xe buýt một năm cần 43.800 m3, như vậy về nguồn cung khí CNG khá dồi dào.

Thế nhưng đáng nói là, để hệ thống xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch đòi hỏi hệ thống cung cấp nguyên liệu phải xây mới đồng bộ và tiện lợi từ việc vận chuyển khí từ ba nguồn cung cấp về các trung tâm vận hành, trạm nén CNG, quy hoạch mạng lưới phân phối CNG phù hợp với hệ thống xe buýt của TPHCM… Rất nhiều việc phải làm. Chắc chắn, việc chuyển đổi xe buýt từ sử dụng xăng dầu sang sử dụng khí CNG cần có sự hỗ trợ và vận động của các cấp chính quyền để chủ xe yên tâm đầu tư, tạo thói quen mới, thậm chí là phải chấp nhận những khó chịu ban đầu khi phải chở bình khí, bơm nén khí hàng ngày.

Thế nhưng, cũng có hàng loạt các vấn đề khác lại tiếp tục đặt ra, việc mỗi xe buýt có một bình khí nén CNG chạy trong nội đô đông người, cơ quan nào chịu trách nhiệm cấp giấy phép, kiểm tra độ an toàn vì nếu có sự cố thì sức nổ của một bình khí nén không thể coi thường...

Nhiều nước đã có kế hoạch sử dụng nguyên liệu sạch trong chạy xe buýt, xe taxi để thực hiện Hiệp ước bảo vệ khí hậu và cam kết Kyoto, và quá trình thực hiện cũng rất chật vật. Do đó, để chương trình này triển khai được tại TPHCM còn rất nhiều việc phải làm, thậm chí phải làm nhanh và đồng bộ, nhưng đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của các ngành các cấp, với sự chỉ đạo thật sát sao và tập trung từ một ban chỉ đạo thì mới có thể đạt kết quả như TP mong muốn.

Văn Thiên Lộc

Tin cùng chuyên mục