Theo báo cáo tổng kết của Bộ TT-TT thì năm 2008, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam có mức tăng trưởng 35% và đạt doanh thu 670 triệu USD. Trong khi đó, mới đây, tại buổi lễ phát động giải thưởng Sao Khuê 2009, ông Phạm Tấn Công – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) lại cho biết, mức tăng của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam năm 2008 chỉ đạt 20% (doanh thu 2007 của ngành phần mềm Việt Nam đạt xấp xỉ 500 triệu USD) và thấp hơn mục tiêu 35%-40% của Chính phủ đề ra vào đầu năm 2008.
Theo ông Công, nguyên nhân là do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến mức đầu tư cho CNTT bị cắt giảm. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã bị công ty nước ngoài trốn thanh toán hợp đồng... Bên Bộ TT-TT là tăng trưởng 35%, bên VINASA lại bảo chỉ tăng trưởng 20%! Vậy đâu là số tăng trưởng thực của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam năm vừa qua?
Chuyện doanh thu của Viettel thì ngược lại với VINASA. Cũng theo báo cáo của Bộ TT-TT, trong năm 2008, tổng doanh thu của Viettel đạt khoảng 30.000 tỷ đồng (xếp thứ 2 sau VNPT trong khối doanh nghiệp viễn thông) và có tỷ suất lợi nhuận là 22%.
Trong khi đó, trên website của Viettel (www.viettel.com.vn), doanh nghiệp này thông báo tổng doanh thu của mình đạt 33.000 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận là 26%. Như vậy, một lần nữa, con số của Bộ TT-TT và doanh nghiệp lại chênh nhau, mà đây là chênh hàng ngàn tỷ, chứ không phải là vài chục triệu đồng. Vậy đâu là số doanh thu đúng cũng như số lợi nhuận chính xác của Viettel trong năm 2008?
Vẫn biết, việc thống kê, công bố các số liệu cuối năm thường phải có thời gian mới hoàn chỉnh và đảm bảo độ chính xác được. Nhưng thiết nghĩ giữa Bộ TT-TT (là cơ quan chủ quản ngành) với những tổ chức như VINASA và một doanh nghiệp viễn thông như Viettel hoàn toàn có thể thực hiện việc đối chiếu dễ dàng các số liệu khi thực hiện thống kê, công bố một cách chính xác và khớp nhau.
Bởi chỉ 2 ví dụ trên thôi, sự chênh lệch đã là hàng chục triệu USD và hàng ngàn tỷ đồng. Đó là những con số quá lớn chứ không thể gọi là sai số cho phép khi tính toán được. Và khi đó, bản thân các phóng viên chuyên theo dõi CNTT và viễn thông, cũng như những ai quan tâm, đều không biết phải tin vào đâu. Con số nào mới là đúng và chính xác đây?...
Trần Lưu