Dư luận xã hội chưa hết bàng hoàng sau vụ tai biến tiêm chủng vaccine viêm gan B tại Bệnh viện huyện Hướng Hóa, Quảng Trị làm 3 trẻ sơ sinh tử vong, gần đây lại thêm một cú sốc nữa trước thông tin một trẻ sơ sinh suýt bị chôn sống vì sự tắc trách của một số y bác sĩ Bệnh viện Nhi Quảng Nam vào chiều 4-8.
Chưa dừng lại ở đó, nỗi bức xúc còn được đẩy lên đỉnh điểm khi mới đây, vụ việc “nhân bản” hàng ngàn kết quả xét nghiệm dùng cho nhiều bệnh nhân bị phanh phui ngay tại Bệnh viện huyện Hoài Đức của Hà Nội. Theo tố cáo của một số nhân viên tại đây thì giám đốc bệnh viêïn và trưởng khoa xét nghiệm đã thỏa thuận, liều lĩnh cho nhân viên in hàng loạt các kết quả xét nghiệm của một mẫu máu và trả cho nhiều người. Việc làm trên nhằm móc túi người bệnh và bòn rút tiền bảo hiểm. Đáng lo ngại hơn, việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm dẫn đến nhiều bệnh nhân khác xa nhau về bệnh án, lứa tuổi nhưng đều có chung một kết quả xét nghiệm và điều này sẽ khiến việc điều trị cho người bệnh không chính xác, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu như vụ trẻ sơ sinh suýt bị chôn sống ở Quảng Nam có thể còn bào chữa rằng do sơ suất và trình độ chuyên môn của cán bộ y tế còn hạn chế, thì vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện huyện Hoài Đức không thể có bất cứ lý do gì để biện minh! Bởi lẽ sai phạm nghiêm trọng này kéo dài cả năm trời và có hệ thống từ lãnh đạo bệnh viện tới trưởng khoa xét nghiệm và không ít cán bộ y tế. Vì thế Công an TP Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra về hành vi “lạm dụng chức vụ quyền hạn”. Lãnh đạo Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội cũng phải thừa nhận việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm dùng cho nhiều bệnh nhân là sai phạm không thể chấp nhận được, vi phạm nghiêm trọng quy chế chuyên môn và 12 điều y đức.
Những vụ việc đầy tai tiếng trên dù không xảy ra cùng thời điểm, cùng một nơi nhưng tất cả điều liên quan tới công tác khám chữa bệnh, cũng như tới một số người được xã hội coi trọng gọi bằng hai từ “Thầy thuốc”. Đau đớn hơn, điều này cũng đồng nghĩa với việc y đức và trách nhiệm của người cán bộ y tế trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân đang suy thoái. Tất nhiên sự xuống cấp y đức, tiêu cực trong lĩnh vực y tế không phải xảy ra ở tất cả bệnh viện hay mọi cán bộ y tế. Thế nhưng có một thực tế không thể phủ nhận được, đó là tiêu cực trong khám chữa bệnh và xuống cấp y đức ngày càng trở nên trầm trọng, gây bức xúc, khổ sở cho người bệnh, khiến niềm tin của người dân vào ngành y tế ngày càng thêm xói mòn.
NGUYỄN QUỐC