Thời gian gần đây, thông tin liên tiếp về những người lao động Nghệ An, Hà Tĩnh bị tử nạn tại Angola khiến không ít người giật mình và đau xót. Theo thông tin trên báo chí, có ít nhất 6 người tử nạn, do bệnh tật, tai nạn và cả bị giết. Những người này sang Angola lao động bằng con đường không chính thức, hầu hết gia đình họ có hoàn cảnh rất khó khăn. Những tưởng tha hương kiếm kế sinh nhai, ai ngờ kết cục bi thương. Với mấy trăm triệu đồng mới có thể đưa thi thể con, chồng, cha... về lại quê nhà thì với những gia đình nghèo khó quả là “hòn chì đè trong lòng hòn bi lăn hốc mắt”.
Năm 2012 cũng đã có hàng chục người Việt Nam phải lìa đời khi tha hương kiếm sống. Ngày 11-1, tàu Jeong Woo 2 của Hàn Quốc gặp nạn trên vùng biển Nam cực khiến 3 người Việt Nam mất tích. Ngày 11-9, vụ cháy tại Nga làm 14 người Việt chết, trong đó có 6 người Nghệ An, 5 người Quảng Bình, 2 người Hải Dương, 1 người Thanh Hóa và 1 người Hà Nam. Ngày 19-12, một vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại Lào đã làm 10 người chết, 8 người bị thương, trong đó có 9 người thiệt mạng đều quê ở huyện Nam Đàn (Nghệ An)... Chỉ nhắc lại một số vụ việc đã thấy xót lòng.
Thời gian sẽ là thang thuốc hữu hiệu giúp những gia đình có người bị nạn dần lành vết thương. Vì cuộc mưu sinh sẽ vẫn còn những người rời quê hương đi xa kiếm sống. Ước rằng sẽ có một ngày người lao động được lao động và nuôi sống mình, gia đình mình ngay trên chính quê hương mình. Và nếu đi kiếm sống nơi đất khách quê người thì sẽ được đi đường đường chính chính, không phải lén lút, lao động đàng hoàng mà khi chết mang tiếng là “lao động chui”; và nếu gặp rủi ro thì sẽ được quan tâm, san sẻ thật sự từ cơ quan hữu trách để được “trở về” nhẹ nhõm, vơi bớt gánh nặng vật chất mà vì nó sẽ kéo người thân trở lại cảnh khốn cùng...
Duy Cường