Sổ tay: Phạm pháp giảm, nỗi lo tăng

Theo báo cáo của Công an TPHCM, số vụ phạm pháp hình sự (PPHS) xảy ra tại TPHCM giảm dần, từ khoảng 6.300 vụ (2009), xuống còn 5.800 (2010), 5.404 (2011) và năm 2012 chỉ xảy ra 5.001 vụ. Vậy tại sao tội phạm giảm nhưng người dân không vui, thậm chí có lúc còn hoang mang, bàng hoàng trước những hành động mang tính côn đồ, giết người dã man, không còn nhân tính?

Theo báo cáo của Công an TPHCM, số vụ phạm pháp hình sự (PPHS) xảy ra tại TPHCM giảm dần, từ khoảng 6.300 vụ (2009), xuống còn 5.800 (2010), 5.404 (2011) và năm 2012 chỉ xảy ra 5.001 vụ. Vậy tại sao tội phạm giảm nhưng người dân không vui, thậm chí có lúc còn hoang mang, bàng hoàng trước những hành động mang tính côn đồ, giết người dã man, không còn nhân tính?

Thực tế, không phải vụ phạm pháp nào bị phát hiện cũng được ngành công an thống kê. Pháp luật thu hẹp tội phạm và biện pháp xử lý hình sự đã giúp giảm bớt không ít số vụ PPHS thống kê. Tuy nhiên, sự khác nhau đó chỉ là một phần sai số trong số những vụ phạm pháp đã được biết tới - vốn chỉ phản ánh phần nào tình hình PPHS. Còn một khác biệt giữa tội phạm xảy ra trên thực tế - tội phạm ẩn, và tội phạm đã thống kê chính thức - tội phạm rõ.

Các chuyên gia tội phạm học trên thế giới chỉ ra rằng, số lượng tội phạm ẩn thường lớn hơn 6 - 10 lần tội phạm rõ. Tại một số nước phát triển, tội phạm ẩn chiếm tới 70% tổng số vụ phạm tội, tức chỉ có 30% số vụ phạm tội được cơ quan chức năng biết tới. Với công tác quản lý nhà nước còn bất cập như ở Việt Nam, tội phạm ẩn chắc chắn không dừng lại ở tỷ lệ trên. Tảng băng chìm tội phạm đã xảy ra trên thực tế nhưng cơ quan chức năng không phát hiện, không ghi nhận được hoặc không có đủ thông tin để xử lý đầy đủ, chính xác.

Chẳng hạn, công an từng bắt 2 đối tượng nghiện hút, tài liệu trinh sát cho thấy, 2 đối tượng đã gây ra 26 vụ cướp giật, nhưng chỉ có 3 vụ xác định được người bị hại, thời gian, địa điểm xảy ra phạm tội. Vậy phần lớn nạn nhân của các vụ cướp giật, trộm cắp đi đâu? Tâm lý lo lắng, bất an của người dân hoàn toàn có cơ sở. Người dân không kịp thời trình báo, không mạnh mẽ tố giác tội phạm một phần là do chưa tin tưởng vào cơ quan bảo vệ pháp luật, sợ phiền hà, sợ ảnh hưởng đời sống cá nhân, sợ bọn tội phạm đe dọa, trả thù. Sự thờ ơ của một bộ phận người dân với hành vi của bọn tội phạm cũng là nguyên nhân và vô tình tiếp tay cho tội phạm gia tăng. Đây là một trong những vấn đề cần mổ xẻ tại kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM khóa VIII để phá bỏ tảng băng chìm.

Đường Loan

Tin cùng chuyên mục