Những ngày qua, việc Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) triển khai nghiên cứu sửa đổi quy định và đề xuất để người dân được mua, đốt pháo không tiếng nổ - đã trở thành tâm điểm chú ý, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Có nhiều quan điểm đưa ra quanh sự việc này. Có ý kiến cho rằng, đốt pháo là tập quán từ lâu của người Việt, là nét văn hóa truyền thống trong các dịp lễ, tết, cưới, hỏi.
Nhiều ý kiến khác phản đối, bởi pháo không nổ không hẳn đã an toàn và đặt câu hỏi tại sao lại cho đốt pháo trở lại khi người dân đã quen với việc không đốt pháo từ nhiều năm qua. Điều này đòi hỏi những nhà quản lý có trách nhiệm quan tâm và suy xét thấu đáo.
Có thể thấy rằng, pháo không nổ hay pháo ảo thuật là một dạng pháo hoa, nhà sản xuất cũng khuyến cáo không nên sử dụng loại pháo này ngoài trời, tránh nơi dễ cháy nổ, không phù hợp sử dụng ở đám đông. Pháo ảo thuật đốt xong để lại những chiếc que có khả năng gây bỏng, rằng phải đợi pháo cháy xong, tàn hết mới được bỏ vào thùng rác.
Mặt khác, nhà sản xuất còn khuyến cáo nếu người dân vứt loại rác này ra đường thì rất khó kiểm soát. Như vậy, rõ ràng việc đốt pháo không nổ vẫn không an toàn, ảnh hưởng trật tự xã hội, xét cả về khía cạnh gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân nhất là đối tượng trẻ em.
Đó là chưa kể một sự lãng phí rất lớn về tiền của đối với việc đốt pháo, bởi nhiều người vẫn còn tâm lý phô trương kiểu “không thể để thua chị kém em”, “con gà tức nhau tiếng gáy”… Một nghịch lý là, đời sống người dân còn khó khăn nhưng mỗi năm ước tính có đến hàng ngàn tỷ đồng cuốn theo xác pháo, ngay cả những gia đình rất nghèo cũng tốn tiền vì pháo.
Một luồng ý kiến khác cho rằng, cho đốt pháo trở lại là khôi phục nét văn hóa, tập tục truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, có những tập tục tốt nên khuyến khích nhưng cũng có những tập quán không phù hợp, ảnh hưởng xấu cần phải loại bỏ. Mà điển hình nhất là từ nhiều năm qua, nhiều cơ sở tôn giáo trong cả nước và người dân từng bước đã ý thức việc hạn chế và không đốt vàng mã. Chưa kể, xét về sâu xa, đốt pháo là phong tục của người Trung Quốc du nhập vào nước ta, với quan niệm giao thừa là thời điểm giao thời, là đêm đuổi tà ma nên phải có tiếng nổ và mùi pháo mới chính là… đặc trưng của ngày tết.
Nếu như khôi phục việc đốt pháo ở Việt Nam, thị trường pháo Trung Quốc sẵn sàng chờ cơ hội để ồ ạt tuồn hàng sang, việc quản lý sẽ càng khó gấp nhiều lần. Còn xét về những ngày lễ tết truyền thống, những dịp vui như cưới, hỏi, giỗ chạp, chúng ta nên chăng khôi phục các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian, tổ chức biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật truyền thống... thay vì đốt pháo. Lẽ nào những năm qua, những nét văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc của chúng ta lại bị phai nhạt vì chuyện… không đốt pháo?
Pháo gắn với văn hóa truyền thống, điều này chỉ đúng một phần. Nhưng trên thực tế, chính người sử dụng pháo lại biến nó thành thứ vũ khí nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng thì việc đề nghị cho đốt pháo trở lại nhất thiết phải được suy xét mọi mặt, bởi một khi đã là chính sách thì những hệ lụy tiêu cực khó lường là khó tránh khỏi. Và hơn hết, điều này không thể chỉ trông chờ vào ý thức của người dân!
MINH AN