Bà Marine Le Pen, lãnh đạo cực hữu Mặt trận dân Pháp, mới đây tuyên bố: “Liên minh châu Âu đã chết, nhưng nó vẫn chưa biết điều này”. Ngay lập tức, các phương tiện truyền thông nhanh chóng phản bác lập luận của bà Le Pen, nhưng câu hỏi về số phận của EU thực sự đã xuất hiện trong suy nghĩ của nhiều người trong thời gian gần đây. Kể từ sau chiến thắng của Tổng thống Donald Trump, những nhân vật có cùng ý tưởng ở châu Âu từ bỏ cách tiếp cận cũ và bắt chước các chiến lược tranh cử. Họ rũ bỏ lớp vỏ bọc trung dung, trở nên giận dữ hơn, thực tế hơn.
Tuy các nền kinh tế châu Âu đang hồi phục nhưng cảm giác bất an ngày càng gia tăng. Một cuộc thăm dò của hãng YouGov (Anh) cho thấy, 81% người Pháp, 68% người Anh và 60% người Đức được hỏi cho rằng một cuộc tấn công khủng bố lớn sẽ diễn ra tại đất nước mình trong năm nay. Lục địa già cũng đang bị giằng xé giữa cuộc khủng hoảng đồng euro và di cư, giữa việc xem xét lại mối quan hệ với Nga và tuyên bố “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cú sốc Brexit. Trong một bức thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên vào tháng trước, Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, định nghĩa Tổng thống Trump như là một mối đe dọa hiện hữu đối với EU, cùng với Nga, Trung Quốc và Hồi giáo cực đoan. Nghịch lý ở chỗ tuy không hài lòng về ông Donald Trump nhưng sự xuất hiện của ông này với tư cách Tổng thống Mỹ lại được coi là hồi chuông cảnh tỉnh để EU nâng cấp các chính sách đối ngoại và an ninh của họ.
Trước đây, nhiều thế hệ chính trị gia châu Âu đã quen với việc trông đợi Washington giữ vai trò lãnh đạo trong việc phản ứng trước bất kỳ cuộc khủng hoảng đang nổi lên nào. Các cuộc hội đàm xuyên Đại Tây Dương dày đặc và liên tục, ở cả Brussels lẫn thủ đô các nước, đã hầu như duy trì được sự đồng bộ của các chính sách. Các thành công của EU, chẳng hạn như việc ổn định Tây Balkan, thỏa thuận quốc tế tháng 7-2014 về chương trình hạt nhân của Iran, và phản ứng chung trước vấn đề Nga - Ukraine, dựa trên sự hợp tác sâu sắc với Mỹ. Khi sự hợp tác này đổ vỡ, như vấn đề về cuộc xâm lược Iraq năm 2003, EU trên thực tế đã bị tê liệt. Các sáng kiến độc lập của châu Âu là rất hiếm - và thành công thậm chí còn hiếm hơn. Qua nhiều thập kỷ, người châu Âu đã coi nhẹ sự phát triển của tư duy chiến lược độc lập và đã đầu tư quá ít vào an ninh và phòng thủ của chính châu Âu.
Nay, châu Âu sẽ còn ở vị trí thấp hơn trong nghị trình của chính quyền ông Trump so với dưới thời người tiền nhiệm của ông. Trọng tâm mới của Mỹ sẽ là Trung Quốc, Nga, Iran và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nếu có can dự chút nào với châu Âu, thì tới mức độ đó, Washington có khả năng sẽ thỏa thuận với các quốc gia một cách riêng rẽ. Một khi các nhà lãnh đạo EU không cộng tác được với nhau và lên tiếng mạnh mẽ hơn, họ có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi. Nhưng thay vì rơi vào nỗi thất vọng, các chuyên gia cho rằng người châu Âu nên nhìn nhận sự chống đối của ông Trump có thể gây xúc tác cho hành động của châu Âu hơn bất kỳ sự khích lệ nào của các tổng thống Mỹ trước đây. Cùng với các đối tác có cùng quan điểm, EU có khả năng giới hạn thiệt hại do nền chính trị kiểu ông Trump gây ra và bảo vệ sự hợp tác khu vực và toàn cầu. Một EU đưa hoạt động của mình vào khuôn khổ và đảm nhận trách nhiệm lớn hơn cũng sẽ có cơ hội tốt hơn để thuyết phục Mỹ duy trì sự can dự, hoặc ít nhất là can dự trở lại sau khi ông Trump đã ra đi.
VIỆT KHUÊ