Sóc Trăng: Gần 5.000 căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng trong giai đoạn 2021-2023

Ngày 5-10, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2021-2025 và phong trào thi đua "Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới" .
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu trao bằng khen cho tập thể có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu trao bằng khen cho tập thể có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM

Tính đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 64/80 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 80%), dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn. Tỉnh có 3/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, dự kiến đến cuối năm 2023 có thêm 2 huyện đạt chuẩn.

Trong 3 năm 2021 - 2023, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ xây dựng gần 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí 241,5 tỷ đồng, nâng tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 87,23%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn nông thôn chỉ còn 4,75% (11.146 hộ), giảm 5.772 hộ so với đầu năm.

Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay Sóc Trăng có 235 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP. Trong đó, có sản phẩm gạo ST24 được Bộ NNPT-NT công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao và 172 sản phẩm 3 sao…

Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã huy động hơn 8.323 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách Trung ương là 284,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương 255,7 tỷ đồng, vốn lồng ghép 3.709 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 417,6 tỷ đồng và nhân dân đóng góp gần 500 tỷ đồng.

Dịp này, có 2 tập thể và 8 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có nhiều đóng góp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là đóng góp to lớn của người dân trong xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng lưu ý: Các đơn vị, địa phương khi thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh cần chú ý phải đi vào thực chất, đặc biệt là hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tránh cách làm manh mún, hình thức, thiếu hiệu quả. Thời gian tới, cần phát động phong trào thi đua xây dựng NTM như một cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn để thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, cán bộ, công chức, viên chức.

Tin cùng chuyên mục