Sóc Trăng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thế nhưng 6 tháng đầu năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy Sóc Trăng, điều hành của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng có nhiều khởi sắc, đạt nhiều kết quả tích cực.
Cánh đồng điện gió tại Sóc Trăng
Cánh đồng điện gió tại Sóc Trăng

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Sóc Trăng đạt 6,46% (cùng kỳ năm 2021 là 3,77%), các khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng mạnh. Trong đó, khu vực I tăng 5,87% (cùng kỳ âm 0,07%), khu vực II tăng 14,88% (cùng kỳ đạt 8,28%), khu vực III tăng 4,41%.

Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò là "bệ đỡ" trong bối cảnh kinh tế Sóc Trăng chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19. Toàn tỉnh đã xuống giống được hơn 332.790ha lúa (tăng 1,85% so với cùng kỳ), sản lượng thu hoạch đạt 1,28 triệu tấn (trong đó lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 94,1%); diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 45.692ha (tăng 23,07% so với cùng kỳ), tổng sản lượng đạt hơn 104.800 tấn, trong đó sản lượng tôm đạt hơn 51.000 tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Sóc Trăng đã xuất khẩu gạo đạt 135 triệu USD (tăng 26,17%), xuất khẩu thủy sản đạt 568 triệu USD (tăng 21,37%).

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả tích cực, với 3/10 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, 58/80 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được lan tỏa và phát triển, đến nay toàn tỉnh đã có 174 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Nhiều sản phẩm OCOP của nông dân được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử giúp mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nhanh, được giá.

Với việc triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, hoạt động ổn định.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 16,03%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,25%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 30.800 tỷ đồng (tăng 8,47% so với cùng kỳ). Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 750 triệu USD (tăng 23,36% so với cùng kỳ). Lĩnh vực du lịch có nhiều khởi sắc, với tổng lượt khách đến tỉnh đạt hơn 1,08 triệu người, doanh thu dịch vụ du lịch đạt trên 580 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2.303 tỷ đồng (đạt 55,96% kế hoạch năm 2022).

Từ thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022, tỉnh Sóc Trăng đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật trong công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào địa bàn. Theo đó, tỉnh đã ký kết 18 biên bản ghi nhớ, khảo sát đầu tư với tổng số vốn khoảng 200.000 tỷ đồng, đặc biệt UBND tỉnh đã cấp quyết định đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh chung chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tình hình giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự bám sát, chỉ đạo quyết liệt, tỉnh Sóc Trăng đã giải ngân vốn đầu tư công hơn 1.900 tỷ đồng (tương đương 40% kế hoạch), trong đó đạt 27,58% vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài ra, xác định hộ nghèo là những đối tượng dễ chịu tác động nặng nề của đại dịch, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ xây dựng hơn 3.490 căn nhà (50 triệu đồng/căn) cho các hộ dân nghèo. Trong đó, chỉ 6 tháng đầu năm đã triển khai xây dựng được hơn 2.200 căn. Qua đó, góp phần giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, để tiếp tục phát huy đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, tỉnh sẽ tập trung vào 9 nội dụng trọng tâm, then chốt. Trong đó, ưu tiên phối hợp triển khai các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng trưởng kinh tế; hoàn thành quy hoạch tỉnh; triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; triển khai chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Một số điểm phát triển ấn tượng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Sóc Trăng đạt 6,46% (tăng 2,69% so với cùng kỳ 2021) và đứng thứ 5/13 tỉnh thành ĐBSCL; giá trị xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đạt 750 triệu USD (tăng 23,36% so với cùng kỳ); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,03%.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 16,9%, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 4.045 doanh nghiệp, vốn đăng ký trên 52.500 tỷ đồng; chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 18/63 tỉnh thành, chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính đứng 9/63 tỉnh thành và cả 2 chỉ số trên đều đứng đầu khu vực ĐBSCL; triển khai hỗ trợ xây dựng hơn 2.200 căn nhà cho hộ nghèo…

Tin cùng chuyên mục