Trước đó, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 theo hướng kết thúc năm học trước ngày 15-7; thi THPT quốc gia từ ngày 8 đến 11-8. Bộ GD-ĐT tính toán, nếu tình hình dịch được kiểm soát và học sinh có thể đi học lại vào ngày 30-5, chậm nhất là 15-6 thì vẫn bảo đảm được chương trình để kết thúc năm học trước ngày 15-7. Còn nếu học sinh đi học muộn sau ngày 15-6 thì Chính phủ phải trình Quốc hội về phương án thi phù hợp hơn.
Thời gian qua, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng về việc học của học sinh, sinh viên, nhất là với học sinh lớp 12 vì các em phải dự thi THPT quốc gia. Một số ý kiến đề nghị không thể bỏ kỳ thi quan trọng này, và cũng không thể giao các địa phương công nhận tốt nghiệp bởi hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông ở ta chưa tốt như các nước có nền giáo dục tiên tiến, còn nặng bệnh thành tích, khó đảm bảo chính xác và công bằng cho các em học sinh. Trong trường hợp bất khả kháng là dịch bệnh vẫn kéo dài, phải tiếp tục thực hiện cách ly xã hội và thí sinh không thể đến điểm thi, thì mới nên thay thế thi bằng một phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp.
Một số ý kiến từ các chuyên gia lại cho rằng, nên giao các địa phương xét tốt nghiệp THPT cho học sinh; các trường đại học có thể xét tuyển thông qua học bạ hoặc tự tổ chức kỳ thi riêng. Luồng ý kiến này dựa trên quan điểm, dù có tổ chức kỳ thi bình thường như các năm trước thì vẫn khó bảo đảm được chất lượng mong muốn, vì học sinh không học đầy đủ chương trình, cách học trực tuyến không bảo đảm công bằng cho học sinh vì cách biệt về điều kiện giữa các vùng miền, giữa các môn học. Nếu việc xét tốt nghiệp THPT được giao cho các địa phương tùy theo tình hình cụ thể của họ (có thể có địa phương thi, có địa phương xét học bạ), thì việc xét tuyển đại học sẽ buộc các trường đại học phải tự thân vận động, nghĩa là sẽ có trường tổ chức thi tuyển, có trường xét học bạ… tùy theo chất lượng của các trường.
Kỳ thi THPT quốc gia luôn được cả xã hội quan tâm, vì liên quan đến tương lai của gần 1 triệu học sinh, nay lại càng thu hút sự chú ý nhiều hơn trong thời điểm cả xã hội chịu tác động của dịch bệnh. Nhìn một cách khách quan, kỳ thi THPT quốc gia dù chỉ với mục đích xét tốt nghiệp nhưng hàng năm đa phần các trường đại học vẫn tham khảo kết quả này để xét tuyển. Nếu năm nay vì khách quan mà không tổ chức được kỳ thi, không chỉ nhiều trường ĐH-CĐ lúng túng mà cũng gây tâm lý lo lắng cho học sinh và phụ huynh. Quyết định về kỳ thi vì thế gây áp lực nặng nề cho Bộ GD-ĐT, nhưng chọn phương thức nào thì Bộ GD-ĐT cũng cần sớm báo cáo Thủ tướng để quyết định vì quỹ thời gian còn lại của năm học 2019-2020 không còn nhiều.
Giải pháp tối ưu nhất vẫn là tiếp tục triển khai kỳ thi THPT quốc gia như kế hoạch hiện nay của Bộ GD-ĐT để đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, giảm thiểu những xáo trộn cho học sinh và phụ huynh cũng như các cơ sở giáo dục đại học. Trường hợp không khả thi, Chính phủ phải sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn chi tiết để không xảy ra việc cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát chất lượng.