Đến nay số hồ sơ kê khai xác nhận người có công với cách mạng (NCC) còn tồn đọng ở các địa phương là 63.543 trường hợp, với 4,19% NCC hưởng chưa đầy đủ; 0,09% đối tượng hưởng sai chính sách. Đặc biệt, rất nhiều NCC đã không đủ thời gian, sức khỏe để chờ được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức tham gia giải quyết chính sách NCC, đặc biệt là trong việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng sau khi chiến tranh đã kết thúc hàng chục năm, là nội dung TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
TS Bùi Sỹ Lợi
- Phóng viên: Giải pháp cho vấn đề giải quyết tồn đọng về chính sách người có công như thế nào, thưa ông?
>> Ông BÙI SỸ LỢI: Đối với các trường hợp hưởng chưa đầy đủ, hoặc hưởng sai chính sách thì trách nhiệm xử lý trước hết thuộc về cơ quan, cán bộ giải quyết chính sách và một phần liên quan đến cả những người giúp sức, làm chứng để đối tượng được hưởng sai chính sách. Đối với các trường hợp tồn đọng, chưa được giải quyết chế độ thì còn có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách cũng như các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực thi chính sách.
- Một nguyên nhân từng được đề cập nhiều lần là vướng mắc trong quy trình, thủ tục xác nhận NCC, đặc biệt là khi họ thiếu giấy tờ, hồ sơ, gặp khó khăn trong việc tìm gặp được các đồng đội cũ, đơn vị cũ để xác nhận quá trình tham gia kháng chiến. Ông có cho rằng hệ thống chính sách pháp luật về NCC hiện hành còn quá câu nệ, không phù hợp với thực tế?
Đến nay chúng ta đã có trên 1.400 văn bản liên quan đến chính sách NCC được ban hành, bổ sung và hoàn thiện. Con số này đã góp phần khẳng định Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn tri ân những người không tiếc máu xương cho Tổ quốc vì nền độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn là chính sách trọng điểm, chính sách ưu đãi cao nhất trong hệ thống chính sách xã hội ở nước ta. Nếu chúng ta đơn giản hóa quy định thủ tục, quy trình lỏng lẻo thì chắc chắn việc lạm dụng, gian lận trong chính sách sẽ xảy ra; nhưng nếu quá chặt chẽ về quy trình, thủ tục mà không căn cứ vào người thật, việc thật đã xảy ra thì cũng khiến một bộ phận NCC thiếu hồ sơ, thủ tục gặp khó khăn trong việc thụ hưởng chính sách.
Thực tế giải quyết các trường hợp tồn đọng về chính sách NCC hiện nay, đặc biệt là đối với lực lượng thanh niên xung phong, đúng là đang nổi lên vấn đề đa số các trường hợp tồn đọng là do không có giấy tờ gốc như lý lịch, giấy báo tử, giấy chứng thương, giấy chuyển thương, chuyển viện… làm cơ sở để giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành.
Mặc dù liên Bộ LĐTB-XH, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22-10-2013 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh không còn giấy tờ gốc nhưng vẫn còn những vướng mắc, bất cập liên quan đến yêu cầu về “giấy tờ gốc”. Chúng ta biết rằng, có thể khi ra đi, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi chỉ mang theo nhiệt huyết hy sinh và tinh thần trách nhiệm chứ mấy ai nghĩ đến việc phải làm cho đầy đủ các thủ tục, giấy tờ!
- Được biết, hiện cả nước đang tiến hành đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC theo Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 27-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Xin ông cho biết những kết quả cụ thể của đợt tổng rà soát này?
Đây là đợt rà soát có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Trong việc tiến hành hoạt động này, vai trò của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên rất được coi trọng; tham gia vào tất cả các khâu, từ việc phối hợp với Bộ LĐTB-XH xây dựng chương trình phối hợp tổng rà soát, đến tuyên truyền và tham gia vào quá trình thực hiện rà soát… Các tổ chức thành viên mặt trận còn được trao vai trò giám sát việc thực hiện chương trình; tạo điều kiện để nhân dân tham gia tích cực và trực tiếp vào cuộc tổng rà soát. Thông qua kết quả rà soát tồn đọng, Bộ LĐTB-XH cần sớm chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để điều chỉnh, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP cho phù hợp với thực tế, tháo gỡ vấn đề xác nhận đối với cựu TNXP không còn giấy tờ gốc.
Tôi tin rằng, nếu cán bộ làm công tác chính sách nhiệt tình, trách nhiệm, tận tâm với từng trường hợp hồ sơ còn tồn đọng thì chúng ta sẽ giải quyết được bài toán này. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch trong việc xác nhận từng trường hợp hồ sơ tồn đọng để cộng đồng, nhân dân địa phương kiểm tra, giám sát, phát hiện sai phạm, gian lận; hạn chế những sai sót trong giải quyết chính sách.
- Cảm ơn ông!
ANH THƯ (thực hiện)