Ghi từ điểm nóng
Những năm gần đây, TPHCM có hàng loạt công trình cao ốc đã được đầu tư xây dựng. Nhiều nhà thầu, đơn vị thi công trong nước đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, có đủ năng lực trình độ thi công công trình cao đến 81 tầng. Thế nhưng, các gia đình sống xung quanh công trình cao ốc vẫn không khỏi lo lắng về hiểm họa từ công trình. Số vụ sự cố tai nạn xây dựng ngày càng nhiều, hậu quả càng lớn.
Một đoạn ngắn chừng 1km trên trục đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí đã trở thành điểm nóng về sự cố xây dựng. Cư dân ở đường Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh) bên cạnh công trình tòa nhà Vinacomin (do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đầu tư) đã khốn khổ vì sự cố sập nhà. Công trình xây dựng có quy mô cao 25 tầng. Khi đơn vị thi công đào hầm làm móng đã làm một số căn nhà dân gần công trình rạn nứt. Trong lúc người dân lo lắng, sửa chữa, thì bất ngờ trong đêm, cừ sắt đóng thi công tầng hầm bị bung, đất bùn xung quanh sụt xuống, đã làm hàng loạt nhà gần đó bị nứt tường, sụt lún. Hàng chục hộ dân phải bỏ nhà, thu dọn đồ đạc đi nơi khác ở để tránh tai họa.
Cùng tại phường 25, công trình khu phức hợp văn phòng thương mại dịch vụ Sacomreal Plaza (do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín đầu tư) cũng xảy ra sự cố. Công trình có quy mô 10 tầng, trên khuôn viên rộng hơn 3.200m2, mặt tiền hướng ra đường Ung Văn Khiêm, 3 hướng còn lại là khu dân cư ổn định. Khi đơn vị thi công đào đất làm hầm móng, đã làm các nhà xung quanh rạn nứt. Cứ mỗi hạng mục công trình hoàn thiện lại làm vết nứt rộng ra, dài thêm.
Cách đó vài trăm mét, trên trục đường Ung Văn Khiêm - Nguyễn Xí, công trình Richmond City cũng xảy ra sự cố xây dựng. Công trình gồm 3 tháp cao 25 tầng, có quy mô 440 căn hộ và trung tâm thương mại. Việc làm móng công trình này đã làm hơn 40 hộ dân xung quanh bị nứt, sụt lún nhà. Nỗi lo của các cư dân đang tăng theo chiều cao công trình.
Chủ đầu tư nhờn luật
Những sự cố về xây dựng thời gian gần đây xảy ra liên tục và có chiều hướng trầm trọng hơn, thế nhưng việc ngăn chặn các sự cố trong lĩnh vực xây dựng vẫn chưa nghiêm. Khi sự cố xây dựng xảy ra, lực lượng thanh tra Sở Xây dựng nhanh chóng đến hiện trường lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính, buộc khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, số tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng còn thấp, không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, các biện pháp khắc phục kèm theo lại thiếu chế tài đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công, dẫn đến tình trạng lờn luật.
Trong vụ vi phạm của công trình Sacomreal Plaza, Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư 17,5 triệu đồng và buộc bồi thường thiệt hại các hộ dân. Quá thời hạn 10 ngày mà chủ đầu tư chưa thi hành nộp phạt thì bị cưỡng chế thực hiện, mỗi ngày chậm bị phạt thêm 0,05% số tiền bị phạt.
Theo Luật sư Trần Đình Dũng (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), các quyết định xử phạt hành chính chưa đủ sức ngăn chặn các sự cố về xây dựng hiện nay. Một phần là do mức phạt tiền còn thấp, nguyên nhân chính là do biện pháp chế tài chưa nghiêm. Quyết định xử phạt hành chính đều yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả, bồi thường cho người dân bị thiệt hại. Số tiền phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nhưng số tiền khắc phục, đền bù thiệt hại cho người dân lên đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Do vậy, chủ đầu tư thường tìm mọi cách để né tránh, chậm đền bù thiệt hại.
Thế nhưng, khi chủ đầu tư trốn tránh, kéo dài thời gian đền bù nhằm làm khó người dân, lại thiếu biện pháp chế tài. Đây là lý do các sự cố về xây dựng đều được cơ quan chức năng, chính quyền phát hiện sớm, có quyết định xử lý nhưng chủ đầu tư vẫn xem nhẹ. Sự cố, tai nạn lại tiếp tục xảy ra.