Sống chết mặc bay

NGUYÊN AN
Sống chết mặc bay

Trồng rau muống, ông phun lớp thuốc trừ sâu, lớp thuốc tăng trưởng. Ngọn rau xanh mơn mởn, biết độc hại, ông cắt ra chợ bán, còn chừa một miếng đất nhỏ trồng rau muống sạch, không phun loại thuốc nào.

Nuôi heo, bà cho heo ăn cám pha thuốc tăng trọng. Xưa nuôi 6 tháng mới cân heo được một tạ, nay chỉ 3 tháng là heo đã ngoài trăm ký. Biết độc hại, gia đình bà hầu như kiêng thịt heo, chỉ ăn thịt bò và cá biển.

Bán cá biển, để cho cá tươi lâu, chị ngâm cá bằng urê, hàn the. Biết độc nên chị chỉ bán cho người ngoài, còn ở nhà ăn cá đồng tươi rói.

Nuôi cá đồng ở ao, anh cho cá ăn thức ăn viên, pha thêm thức ăn tăng trọng của heo. Cá mau lớn, thu hoạch được nhiều tiền, nhưng gia đình anh chỉ ăn thịt mua trong siêu thị cho nó lành.

Ai cũng biết thực phẩm mình sản xuất là độc hại, nhưng ai cũng nghĩ ta không ăn, gia đình ta không dùng là được. Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi là thành ngữ dân gian chê trách hành động, lối sống tham lam, vô trách nhiệm của người có quyền chức, người có trách nhiệm bỏ bê dân chúng trong cơn khốn khổ. Câu thành ngữ này ngày nay được chế lại là Sống chết mặc bay, tiền tao bỏ túi vì không chỉ vào người có quyền chức mà còn mang hàm ý cho cả người sản xuất, kinh doanh hàng kém phẩm chất, thậm chí nguy hại với người tiêu dùng.

Có một điều ít ai nghĩ đến là ta không ăn sản phẩm độc hại do ta sản xuất,  lại sử dụng hàng của người khác làm ra do lầm tưởng là an toàn, nhưng cuối cùng cũng vướng độc hại vì họ cũng sản xuất ra các sản phẩm độc hại như ta. Cái vòng tròn nghiệt ngã ấy dẫn đến cuối cùng ai cũng mắc bệnh do ăn toàn đồ độc hại.

Pháp luật đang điều chỉnh hướng đến có thể ngăn ngừa việc sản xuất thực phẩm độc hại. Sản xuất sạch, kinh doanh lành mạnh là tiêu chí của nhiều nhà sản xuất đang hướng đến vì chỉ có cách đó mới bảo tồn được thương hiệu, phát triển được sản xuất lâu bền. Còn sản xuất theo kiểu “sống chết mặc bay” trước sau gì cũng phải trả giá khi pháp luật trừng trị, người tiêu dùng quay lưng.

NGUYÊN AN

Tin cùng chuyên mục