Sống chung với mồ mả!

Sống chung với mồ mả!
Sống chung với mồ mả! ảnh 1
Một nghĩa địa mini hình thành trong vườn nhà tại Gò Vấp

Mỗi năm thành phố có khoảng 25.000 người chết, một phần được mai táng ở các nghĩa trang có lâu nay, phần khác là thiêu, còn lại đa số vẫn chôn tại các nghĩa trang tự phát ở các quận ven và huyện ngoại thành… Điều này đã khiến hàng trăm  ngàn người dân sống quanh với các nghĩa địa tự phát ở đây sống trong một môi trường ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Không những thế, sự  bùng phát dịch vụ phân lô bán nền mồ mả đã làm cho hàng loạt các nghĩa địa “mini”  ra đời, biến cảnh quan đô thị ở những khu dân cư mới càng nhếch nhác hơn…

  • Ra ngõ gặp mồ mả

Cầm ca nước ngả màu vàng nhạt trên tay, ông Nguyễn Văn Thục,  xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn bức xúc: “Nước giếng nhà khoan sâu hơn 40m mà vẫn không thoát được mùi tanh tanh vì ô nhiễm từ các khu nghĩa địa tự phát gần nhà. Cứ tình trạng sống chung với nghĩa địa như thế này thì chẳng bao lâu dân ở xóm này chắc bị bệnh truyền nhiễm hết quá...”.  Vừa nói, ông vừa kéo tay tôi ra khoảnh đất phía sau vườn nhà, chỉ một nghĩa địa mini với hơn mươi cái mộ: “Một năm nay, một số hộ dân địa phương đã tự ý bán đất cho người từ các nơi khác đến chôn nên nhiều nghĩa địa tự phát đã mọc lên”. Khảo sát quanh khu vực mới thấy tá hỏa, không chỉ gia đình ông Thuận mà nhiều hộ dân lân cận đang phải sống xen lẫn với các mồ mả ở khu vực này không chỉ phải sử dụng nguồn nước giếng bị ô nhiễm mà còn chịu đựng những mùi tanh hôi khó chịu sau những cơn mưa lớn...

Ở phường Tân Thuận Đông, quận 7 cảnh tượng trên cũng không thua gì, mồ mả nằm chen chúc trong khu dân cư là chuyện thường. “Đất ở đây trũng thấp, mùa mưa thường hay bị đọng nước. Vậy mà vẫn có nhiều hộ gia đình xây nhà trọ rồi sau đó bơm nước lên hồ chứa nhưng không qua một hệ thống lọc rồi để cho công nhân thuê nhà sử dụng!”, anh H. L. V., khu phố 3, phường Tân Thuận Đông bức xúc.  Hiện nay trước tốc độ đô thị hóa, tấc đất tấc vàng nên nhiều gia đình ở các quận, huyện ven và ngoại thành như quận 9, Thủ Đức, Tân Phú, Gò Vấp... cũng chịu cảnh “sống chung với mồ mả”. Dạo quanh các phường 8, 9, 11, 12, 16, 17 (quận Gò Vấp); Tam Bình, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông (Thủ Đức); Phước Bình (quận 9); Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông (quận 12)..., nơi nào cũng dễ bắt gặp những ngôi mộ còn tinh khôi màu nước sơn, mùi vôi mới quét mọc lên tại các khu vườn nhà.

Nhiều nghĩa trang mini tự phát hình thành với quy mô từ vài cái tới vài chục ngôi mộ. Mộ nằm san sát trước nhà, sau nhà, có nơi tràn vào trong sân nhà! Nhiều gia đình tại ấp Đông, phường Bình Trưng Đông, quận 2 muốn vào nhà mình phải đi len lỏi vào các ngôi mộ được xây lấn cả ra đường tại các khu dân cư . Nhưng điều đáng lo ngại nhất tại những nơi này, hầu hết người dân vẫn dùng nước ngầm để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Anh Nguyễn Thanh Bình mới dọn về khu nhà ở phường 9, Gò Vấp cho hay: “Trước đây nhiều người nói chớ nên mua nhà ở khu vực này vì đất mồ mả bao vây thì khó làm ăn. Tôi không tin dị đoan cứ mua về ở. Không ngờ nước giếng ở đây khoan đến 40m nhưng vẫn có mùi hôi. Định kêu thợ đến khoan thêm nhưng người trong xóm bảo rằng, có khoan sâu thêm cũng vậy thôi, chi bằng cứ ra ngoài mua nước mà xài còn chắc ăn hơn”.

Cũng trong tâm trạng “đi không được mà ở cũng không yên”, anh Trần Văn Quang, ấp 4, Đông Thạnh, Hóc Môn lắc đầu ngao ngán: “Nhà gần nghĩa địa tự phát, lúc trước người ta chôn ít thì nước giếng còn xài được, giờ thì thua rồi. Nước hôi lắm không chịu thấu đâu”. Biết là nguy hại cho sức khỏe nhưng người dân địa phương vẫn phải sử dụng nguồn nước này vì cũng chẳng thể kiếm đâu ra nguồn nước khác để thay thế!

  • Bán nền mồ mả: cảnh quan đô thị còn chăng?

Điều đáng báo động là trong khoảng thời gian gần đây, mặc dù chính quyền các địa phương nghiêm cấm nhưng tình trạng lén lút chôn cất tại các khu dân cư vẫn “liên tục phát triển”. Nhiều gia đình tự ý bán đất để người từ các nơi đến chôn cất người chết nhưng vẫn mượn danh nghĩa là chôn người trong thân tộc.

Qua tìm hiểu, giá đất cho người chết ở các nghĩa trang tư nhân rất đa dạng. Thông thường, một huyệt thô ở đất trũng, không tiện giao thông là 8-12 triệu đồng; huyệt xây tương đối hoàn chỉnh (có kim tĩnh) từ 15-18 triệu đồng. Đặc biệt, có một số nơi gần nghĩa trang Gò Dưa, khu vực theo quan niệm của người dân là “đẹp”, giá huyệt kim tĩnh lên tới 20-25 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, chính quyền nhiều phường, xã có những nghĩa trang tự phát đang được mọc lên cho biết, để quản lý việc chôn cất, khi gia đình có người chết, chính quyền các nơi đều yêu cầu người thân phải làm thủ tục khai tử, nêu rõ nơi chôn cất, hình thức cải táng...

Nếu phát hiện trường hợp sai phạm thì sẽ xử phạt. Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó kiểm tra, xử lý các trường hợp này. Mồ mả vẫn mọc mới tại các nghĩa địa vì người dân xé rào bán đất cho những người từ nơi khác với lý do là nhận họ tộc, người thân… nên chính quyền cũng “bó tay”!

Hiện nay,  các nghĩa trang Bình Hưng Hòa, Gò Dưa, Lạc Cảnh, Đa Phước… là những nghĩa trang cấp thành phố quản lý. Ngoài ra còn trên dưới 200 nghĩa trang lớn nhỏ khác thì do chính quyền các địa phương quản lý, trong đó có nhiều nghĩa trang  hình thành, phát triển một cách hoàn toàn tự phát. Riêng Gò Dưa, do địa hình cao ráo, tiện đường giao thông nên nhiều người đã đặt mua huyệt vài năm, thậm chí trước cả chục năm. Do vậy, người dân đã tận dụng đất vườn, đất ruộng tự phân lô, xây dựng nghĩa trang để kinh doanh. Ước tính toàn thành phố đã có hàng trăm nghĩa trang thế này và cảnh quan đô thị cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng với thực trạng “ra ngõ gặp mồ mả” như hiện nay.

QUANG ĐẠT

Những người sống xung quanh các khu vực nghĩa trang cho biết, thông thường đất gần nghĩa trang rất khó bán hoặc có bán thì cũng chẳng đáng bao tiền. Nhưng khi sốt đất chôn, nhiều hộ dân ở đây “phân lô” xây huyệt kinh doanh thì giá đất bán rất cao. Chẳng hạn như đất của anh B.V. T, chủ một nghĩa trang mini ở ngay rào Gò Dưa, nếu tính theo giá bán huyệt thì anh đã có khoảng gần tỷ đồng. Mỗi huyệt giá sàn anh bán là 15-20 triệu đồng nhưng có khá đông người hỏi mua.

Tin cùng chuyên mục