Mọi cuộc khủng hoảng đều có nguyên nhân. Sự sa sút về thành tích thi đấu của Chelsea ở Premier League cũng thế. Nguyên nhân là chấn thương của nhiều vị trí trụ cột, đặc biệt là ở hàng phòng thủ. Nguyên nhân còn là…Ballack.

Trận hòa Fulham 2-2 ở Stamford Bridge: Ballack bất lực với pha đi bóng của Volz.
Sóng gió đã nổi lên trong những mối quan hệ nội bộ ở Chelsea chung quanh khả năng đóng góp của Ballack. Sau trận hòa Fulham 2-2 trên sân nhà hôm 30-12 (trận hòa thứ hai liên tiếp, lần thủng lưới 2 bàn thứ tư liên tiếp), tiền vệ Makelele và tiền đạo Drogba đã định sừng sộ HLV Mourinho, đồng đội phải can họ.
Hai cầu thủ này bực bội ra mặt về tính kém hiệu quả của Ballack. Và cho đến đêm 6-1, dư luận tiếp tục đồn đoán rằng sự rạn nứt nội bộ hiện nay ở Chelsea có thể dẫn tới chia tay HLV Mourinho vào cuối mùa bóng, ông ta sẽ sang Juventus hoặc Inter Milan để nhường chỗ cho Guus Hiddink.
Thực hư thế nào, thời gian sẽ trả lời. Nhưng trước mắt, những cầu thủ chủ chốt của Chelsea như Drogba và Makelele cho rằng Ballack không cố gắng hết sức mình, không nhiệt tình đóng góp cho đồng đội nhất là ở nhiệm vụ tham gia phòng thủ, và không hòa nhập được với hệ thống tấn công. Vấn đề này đã được nêu ra không phải một lần, mà nhiều lần, trong những lần họp đội. Và hầu như lần nào cũng vậy, cách trả lời của Mourinho là một sự giận dữ, gằn từng tiếng một, khi ông ta bảo vệ Ballack.
“CĐV không làm nên đội bóng, mà là tôi”, Mourinho từng nói như thế sau trận thắng khít khao trước Newcastle United, một trận đấu mà đã có không ít CĐV của chính Chelsea đã lên tiếng la chộ Ballack. “Tôi không chọn cầu thủ dựa trên ý kiến của CĐV hoặc của báo chí. Tôi có một cách phân tích riêng dựa trên khoa học kỹ thuật, dựa trên cách nhìn và kiến thức bóng đá của chính tôi. Ballack vẫn bất khả xâm phạm”.
Mặc dù vậy, giới chuyên môn vẫn có thể dựa vào…khoa học kỹ thuật để phản bác Mourinho. Theo các con số của hệ thống ProZone mà nhiều CLB hiện đang sử dụng – một hệ thống đánh giá và tính điểm cầu thủ dựa trên cách di chuyển, cản phá, chuyền bóng, sút bóng – thì trong 5 tháng khoác áo Chelsea, Ballack chỉ ngang với một tiền vệ trung tâm nội địa. Anh chẳng thể nào đạt tới đẳng cấp Champions League, mà hiện ở Anh chỉ có Lampard, Paul Scholes và Gilberto Silva đạt tới. Dĩ nhiên là Ballack kém xa so với chính mình trước đây.
Những thống kê khác về cầu thủ mang chiếc áo số 13 của Chelsea cũng chẳng tươi đẹp gì. Một mặt, người ta ghi nhận rằng Ballack là một mối nguy hiểm mỗi khi Chelsea có bóng, bởi anh ta có thể “càn” vào vòng cấm địa không biết lúc nào. Trái lại, người ta cũng ghi nhận sự trễ nải và lười biếng của Ballack trong việc lùi về hỗ trợ tuyến sau. Về mặt phòng thủ, Ballack bị đối phương xem là một điểm yếu dễ khai thác. Một HLV cho biết đội bóng của ông ta phát hiện ra rằng so với trước thì Chelsea đang kém bùng nổ mỗi khi họ dàn quân theo sơ đồ 4-4-2, trong đó Ballack chiếm vị trí nhô cao trước hàng tiền vệ.
Ngược lại, Ballack cũng đã đưa ra những lập luận của riêng mình, như ai nấy đều đã biết. Mấy hôm trước, anh nói: “Tôi đã hy vọng là sẽ có nhiều quả tạt bổng vào trong hơn, để tôi đánh đầu ghi bàn. Ở Bayern Munich, chiến thuật tương tự Chelsea, nhưng có nhiều pha tạt bóng hơn hẳn. Cho nên, cách thi đấu của Chelsea hơi khác với cách mà tôi đã quen thuộc”.
Hãy chờ xem nội tình Chelsea sắp tới sẽ ra sao. Nhưng rõ ràng mọi chuyện không êm đẹp, và sẽ khó mà trở lại êm đẹp như trước. Vì một lẽ đơn giản: Ở Chelsea bây giờ, không phải ai cũng im lặng nghe theo Mourinho như trước.
Tiến Minh (tổng hợp)