Thời gian gần đây, mã HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là tâm điểm chú ý của giới đầu tư bởi liên tục nhiều thông tin xuất hiện. Vậy triển vọng của giá HAG trong thời gian tới sẽ ra sao?
Hàng loạt thông tin xấu
Giảm hơn 73% giá trị từ mức đỉnh 27.000 đồng vào tháng 3 và tháng 10-2014 xuống còn 7.900 đồng vào tháng 2-2016, HAG ghi nhận mức giá thấp nhất kể từ khi niêm yết trên sàn CK. Câu chuyện của HAG liên quan đến khoản nợ khủng hơn 30.700 tỷ đồng (chiếm gần 65% tổng tài sản) trong khi các mảng kinh doanh bất động sản, cao su và khoáng sản gặp nhiều khó khăn, khiến tập đoàn đứng trước rủi ro kiệt quệ tài chính. Trong năm 2015, các tin đồn liên quan đến HAG đều xoay quanh việc nợ nần.
Rủi ro về thanh khoản đang là điều NĐT lo ngại về HAG khi công ty này liên tục có những biện pháp để né tránh chi trả dòng tiền cho cổ đông. Vào cuối năm 2015, HAG sử dụng một kỹ thuật chưa từng có tiền lệ trên TTCK Việt Nam bằng việc sử dụng CP công ty con là CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) để chi trả cổ tức cho công ty mẹ. Mặc dù giá CP HAG đã bật tăng đúng 1 phiên (gần trần) sau khi thông tin này được công bố vào đầu tháng 12-2015, nhưng sau đó HAG lại tiếp tục sụt giảm cho đến đầu tháng 1-2016.
Bản BCTC quý IV-2015 vừa mới công bố vào giữa tháng 3-2016 cho thấy HAG lỗ gần 589 tỷ đồng, là một lời xác thực cho những thông tin đồn đoán của thị trường về khoản lỗ lớn khiến tập đoàn trì hoãn việc công bố BCTC, nhưng UBCKNN đã bác đề nghị của HAG. Đầu tháng 3-2016, HAG lại tiếp tục gặp phải thông tin xấu liên quan đến việc công ty này bị phía ACB chi nhánh Gia Lai bán giải chấp 14 triệu CP HNG để thu hồi nợ vay.
Góc nhìn kỹ thuật
Mặc dù các tin xấu liên tục xuất hiện đối với HAG, nhưng một chi tiết đáng lưu ý là khối lượng giao dịch của HAG tăng đột biến trong 2 tháng đầu năm 2016 khi giá CP tiến về vùng 8.000-9.000 đồng/CP. Điều này cho thấy có một lực cầu khá lớn hấp thụ lượng hàng bán ra sau một loạt thông tin xấu của HAG. Ở phương diện phân tích kỹ thuật, khối lượng giao dịch tăng mạnh sau một thời gian giá CP giảm sâu là một dấu hiệu tích cực tiềm ẩn khả năng tăng giá sau đó. Khối lượng giao dịch là một chỉ báo đi trước giá.
Biểu đồ kỹ thuật và sóng Elliott của CP HAG
Trong lịch sử giao dịch của HAG, đây là lần thứ hai HAG có mức giảm xấp xỉ 70%. HAG cũng đã từng giảm 70% từ đỉnh 40.000 đồng vào tháng 2-2011 đến tháng 12-2011 tại mức giá 12.000 đồng (tính theo giá điều chỉnh). Nếu như lịch sử lặp lại (cùng giảm tỷ lệ 70%), khả năng vùng giá 7.900 đồng vào tháng 1-2016 là vùng đáy của HAG.
Biểu đồ kỹ thuật cho thấy CP HAG đang có được sự hỗ trợ tại mức 7.900 đồng tại đáy tháng 1-2016. Đây là đường hỗ trợ tạo ra từ kênh giảm giá dài hạn (màu đỏ) từ năm 2014 đến nay. Theo nguyên tắc kênh giá, giá có khả năng tăng trở lại để tiến về đường trên của kênh giá.
Một tín hiệu tích cực khác xuất hiện khi HAG kiểm tra lại vùng giá 7.900 đồng vào đầu tháng 3-2016, chỉ báo Stochastic Oscillator lại tạo đáy cao hơn. Thuật ngữ phân tích kỹ thuật gọi đây là phân kỳ dương tăng giá. Tín hiệu phân kỳ dương cũng xuất hiện với các chỉ báo dao động khác như RSI. Điều này ủng hộ đà tăng của HAG.
Mô hình sóng Elliott cho thấy HAG đã giảm đủ 5 con sóng tính từ tháng 10-2014. Theo nguyên lý sóng Elliott, giá CP thường xuất hiện 3 sóng hồi phục a-b-c sau 5 sóng giảm. Điều này mang lại dấu hiệu tích cực cho HAG.
Mục tiêu giá hoặc các mức kháng cự của HAG thường là sóng 4 của các con sóng giảm trước đó. Do đó, mức kháng cự đầu tiên là vùng giá 10.000-11.000 đồng (sóng 4) và tiếp theo 15.500 đồng (sóng (4)). Tuy nhiên, để thực sự lấy lại được đà tăng giá, HAG cần tạo một điểm phá vỡ hướng lên thoát khỏi xu hướng giảm. Có 2 điểm phá vỡ NĐT cần lưu ý. Đầu tiên là đường trung bình di động 50 ngày (MA50-màu xanh), hiện đang ở mức 8.900 đồng. Nếu HAG vượt qua được đường MA50, tiềm năng tăng giá sẽ rõ ràng hơn. Điểm phá vỡ thứ hai chính là kênh giảm giá dài hạn từ tháng 10-2014 đến nay (màu đỏ). Nếu HAG vượt qua được vùng giá 10.000-11.000 đồng, tiềm năng có thể chạm đến vùng giá 15.500 đồng.
Về phương diện phân tích kỹ thuật, nếu như giá HAG một lần nữa phá vỡ đáy cũ 7.900 đồng vào tháng 1-2016, cho thấy giá sẽ còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa về vùng 4.000-5.000 đồng. Do đó, NĐT có thể thực hiện chiến lược mua với điểm dừng lỗ (stop loss) dưới đáy cũ 7.900 đồng/CP.
Trương Minh Huy
KHÔNG BI QUAN QUÁ VỚI HAG
Với BCTC hợp nhất quý IV-2015 vừa được CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố, đây là quý đầu tiên HAG nếm mùi thua lỗ kể từ khi chính thức niêm yết trên sàn HOSE năm 2008. Theo BCTC hợp nhất chưa kiểm toán quý IV-2015, mặc dù doanh thu tăng mạnh nhưng HAG bất ngờ báo lỗ hơn 588 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 42 tỷ đồng. Theo giải trình của Tổng giám đốc HAG Võ Trường Sơn, doanh thu bán hàng tăng mạnh nhờ doanh thu bán bò mới phát sinh trong quý (đạt 396 tỷ đồng). Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh so với cùng kỳ do chi phí lãi ngân hàng và trái phiếu tăng gần 40% so với cùng kỳ. Chỉ trong quý IV chi phí này lên đến 325 tỷ đồng do nhu cầu vốn lớn để mở rộng mảng kinh doanh chăn nuôi bò trong năm 2015. Ngoài ra, chi phí khác cũng gia tăng mạnh (tăng 413 tỷ đồng) do HAG đã phải đóng cửa các mỏ và không khai thác nữa nên phải xóa sổ các khoản đầu tư thiết bị hạ tầng ngành khoáng sản. Lũy kế cả năm 2015, HAG ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp đôi so với năm trước (đạt 6.253 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế đạt 883 tỷ đồng (giảm 47%).
Cùng với công ty mẹ HAG, CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) sau nhiều lần xin trì hoãn cũng đã công bố BCTC hợp nhất quý IV-2015. Theo đó, doanh thu bán hàng trong quý của HNG đạt 814 tỷ đồng (tăng hơn 100%) nhưng lợi nhuận lại âm 113 tỷ đồng. Theo giải trình của HNG, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ do giá vốn bán hàng của nhiều loại mặt hàng đều phát sinh tăng như: giá vốn bán bò phát sinh 380 tỷ đồng, giá vốn bán đường tăng 93 tỷ đồng, giá vốn bán mủ cao su tăng 40 tỷ đồng... Ngoài ra, chi phí lãi vay (tăng 41 tỷ đồng) cũng chính là nguyên nhân kéo tụt lợi nhuận của HNG.
Kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa của HAG và HNG đã được dự báo trước đó và nhiều CTCK đã chủ động đưa ra khỏi danh sách các mã CP được sử dụng margin, thậm chí có CTCK còn khuyến cáo NĐT hết sức cẩn thận khi quyết định giải ngân vào 2 mã CP này. Thực tế 2 mã CP này đã bắt đầu rơi vào tình trạng bán tháo kể từ cuối năm 2015 do lo ngại về những khoản vay khổng lồ mà 2 doanh nghiệp này đang gánh. HAG từ mức 14.000 đồng/CP xuống mức thấp nhất là chỉ còn 7.600 đồng/CP. Tương tự, HNG rơi từ mốc 30.000 đồng/CP xuống mức thấp nhất là 7.500 đồng/CP. Không chỉ có NĐT đang nắm giữ CP thua lỗ mà ngay cả ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG, cũng bị mất hàng tỷ đồng do giá CP giảm.
Sau những gì đã xảy ra, điều giới đầu tư quan tâm nhất lúc này là HAG sẽ ra sao trong năm 2016? Với những NĐT thận trọng, HAG sẽ khó có thể gượng dậy bởi lãi vay đang từng ngày bào mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo thống kê, chi phí lãi vay của HAG trong năm 2015 lên đến 1.151 tỷ đồng (tăng 69% so với năm 2014). Tuy nhiên, với những NĐT lạc quan thì tình hình không không quá bi quan. Cụ thể, với việc thị trường cao su thế giới năm nay có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn do ảnh hưởng của El Nino, ít có khả năng giá cao su sẽ tiếp tục giảm. Ngoài ra, năm 2016 cũng là năm dự án Myanmar của HAG bắt đầu tạo ra lợi nhuận. Vì vậy, năm 2016 có thể là 1 năm tốt đẹp hơn với HAG, nếu công ty có thể thành công trong việc thương lượng kéo giãn các khoản nợ vay. Với HNG, tình hình sẽ khả quan hơn khi năm 2017 trở đi giá cao su có sự phục hồi và mảng bò sữa bước vào giai đoạn hoạt động ổn định
KIM GIANG (nguồn ĐTTCO)