“Sống lại” một hồi ức

Sau hơn 70 năm im lặng, giờ đây một trang sử thuộc địa bị chôn vùi cuối cùng đã được phơi bày ra ánh sáng. Đó là việc trưng dụng cưỡng bức nhân công ở các thuộc địa đưa đến làm việc tại Pháp.
“Sống lại” một hồi ức

Sau hơn 70 năm im lặng, giờ đây một trang sử thuộc địa bị chôn vùi cuối cùng đã được phơi bày ra ánh sáng. Đó là việc trưng dụng cưỡng bức nhân công ở các thuộc địa đưa đến làm việc tại Pháp.

Tháng 9-1939, khi nước Pháp tuyên chiến với phát xít Đức, Chính phủ Pháp đã đưa hai vạn thanh niên Việt Nam đến chính quốc nhằm phục vụ kỹ nghệ chiến tranh. Ngoại trừ thiểu số khoảng 5% con em nhà khá giả và có ăn học tình nguyện đăng ký làm thông ngôn, còn lại đều là nông dân nghèo ít chữ bị trưng tập cưỡng bức từ làng quê.

Tác giả Pierre Daum.

Sau khi nước Pháp thua trận trước Đức quốc xã tháng 6-1940, chỉ có khoảng 4.500 người được trở về quê hương. Số còn lại được đưa về miền Nam nước Pháp và được trưng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất trong suốt thời gian chiến tranh. Mặc dù thuộc thành phần dân sự và chưa một ngày mặc áo lính, họ vẫn phải phục tùng kỷ luật quân đội nghiêm ngặt dưới sự cai quản của các cựu sĩ quan Pháp từng phục vụ lâu năm ở các thuộc địa. Họ phải sống câu thúc sau hàng rào kẽm gai các doanh trại trong điều kiện thiếu thốn cùng cực, và bị bóc lột sức lao động một cách triệt để mà không được hưởng đồng lương thỏa đáng.

Sống trên đất khách quê người, nhưng người lính thợ luôn một lòng hướng về Tổ quốc. Họ đã tiến hành nhiều hoạt động như làm báo, rải truyền đơn, treo cờ đỏ sao vàng, đình công, biểu tình… nhằm ủng hộ công cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân Việt Nam và phản đối thực dân Pháp tái xâm lược nước ta.

Năm 1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, hàng ngàn lính thợ đã tổ chức mít tinh trọng thể để chào đón vị lãnh tụ của dân tộc. Phong trào đấu tranh của lính thợ ngày càng lan rộng đã khiến chính phủ Pháp hết sức lo ngại, buộc họ phải lần lượt tổ chức hồi hương cho những người lao động này. Khoảng 2.000-3.000 người chọn ở lại sinh sống trên đất Pháp.

…Do hoàn cảnh chiến tranh và những hệ lụy khá tế nhị về lịch sử mà hơn 70 năm qua câu chuyện về những người lao động này vẫn bị vùi sâu trong ký ức của hai dân tộc.

Hoàn toàn do ngẫu nhiên. Vào năm 2004, khi còn là phóng viên báo Libération, Pierre Daum được cử tới Arles viết bài về việc thợ thuyền chiếm giữ nhà máy Lustucru để phản đối lệnh đóng cửa. Vì nhà máy này đảm nhiệm việc đóng lúa gạo vùng Camargue nên anh tìm gặp một số nhà sản xuất lúa gạo, thứ đặc sản làm nên tinh hoa của vùng đất này. Khi lái xe trên con đường dẫn tới Salin-de-Giraud, anh bắt gặp tấm biển chỉ dẫn nhà bảo tàng lúa gạo trong ngôi làng nhỏ Sambuc.

Trong một góc nhà kho dành riêng giới thiệu việc trồng lúa, anh thấy một tấm pano gồm ba tấm ảnh kèm theo vài đoạn văn bản. Những tấm ảnh chụp các nông dân mang dáng dấp châu Á đang cấy lúa. Còn phần văn bản đã hé lộ một sự việc đáng kinh ngạc: câu chuyện về những người đầu tiên làm nên hạt lúa Camargue chính là những người Việt Nam đến Pháp từ năm 1939, được chính quyền Vichy sử dụng nhằm mang lại sự sống đến cho cây lúa ở vùng đầm lầy châu thổ sông Rhôme.

Bắt tay vào viết bài về việc phát hiện nguồn gốc Việt Nam của cây lúa Camargue, Pierre Daum rất nhanh chóng gặp nhân vật đầu tiên của câu chuyện hiện còn sống: ông Lê Hữu Thọ, rồi tiếp đến là ông Vũ Quốc Phan. Cứ thế, anh dần dà bắt liên lạc được với các cựu ONS. Trong nhiều tháng liền, anh cày dọc xới ngang khắp nước Pháp với quyển sổ ghi chép, máy ghi âm, máy ảnh nhằm ghi lại lời kể của các nhân chứng. Anh nhớ lại: “Tất cả những người này đều đón tiếp tôi một cách nhã nhặn, hơn thế còn tỏ ra xúc động, khiến tôi cảm nhận được niềm vui sướng của họ khi giờ đây được kể lại câu chuyện đời mà mình đã phải chôn vùi trong ký ức sau biết bao năm tháng im lặng”.

Nhưng ở Việt Nam thì khác. “Cho đến khi sang Việt Nam năm 2007 để tìm gặp những nhân chứng cuối cùng của câu chuyện lịch sử đầy nước mắt này, thì tôi gần như là người đầu tiên mà những cụ già ở tuổi gần đất xa trời ấy chấp nhận mở lời, khơi dậy quá khứ sau hơn 70 năm chôn chặt trong ký ức”, anh Pierre Daum cho biết. Pierre Daum cần mẫn đi khắp Pháp và Việt Nam để tìm tài liệu lưu trữ vốn cự kỳ hiếm hoi, gặp gỡ khoảng 50 nhân chứng là những cựu lính thợ, những người liên quan đến sự kiện này.

Bìa sách Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939-1952) - một trang sử thuộc địa bị lãng quên.

Năm 2009, khi Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 - 1952) - một trang sử thuộc địa bị lãng quên ra đời thì sự thật ấy cuối cùng mới được phơi bày trước công luận. Cuốn sách gây nhiều tiếng vang, được liên tục tái bản, được chuyển thể thành phim và là đề tài của cuộc triển lãm lưu động cũng như rất nhiều cuộc hội thảo trên khắp nước Pháp, đã thực sự đánh động lương tri người dân Pháp và khiến chính phủ của họ phải có động thái thích hợp. Nhiều địa phương ở Pháp đã lần lượt tổ chức lễ tôn vinh cựu lính thợ với sự hiện diện rất ít ỏi các nhân chứng nay đã vào tuổi gần đất xa trời.

Và ngày 5-10-2014, tượng đài kỷ niệm cấp nhà nước nhằm tưởng nhớ công lao của 20.000 người lao động Việt Nam bị cưỡng bức lưu đày trong Thế chiến II đã được long trọng khánh thành ở Camargue dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao Cộng hòa Pháp cùng đại diện chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như là lời công khai thừa nhận từ hai quốc gia, rằng những cựu lao động này thực sự là nạn nhân của chế độ thuộc địa một thời.

5 năm sau ngày xuất bản đầu tiên tại Pháp, ngày 11-11-2014, Nhà xuất bản Tri thức tổ chức ra mắt cuốn sách này tại Việt Nam, với bản dịch của bà Trần Hữu Khánh (khổ 13cm x 20,5cm, 428 trang).

Sau 3 năm tìm tòi nghiên cứu và tiến hành các cuộc điều tra từ vùng ngoại ô Paris, Marseille, Lyon… của Pháp cho đến Hà Nội, TPHCM và tận những làng quê xa xôi hẻo lánh nhất ở Nam Định, Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh… của Việt Nam, Pierre Daum đã tìm ra 25 nhân chứng ONS còn sống và tái hiện sinh động, hấp dẫn chuyện đời họ, chuyện về một giai đoạn trong lịch sử thuộc địa Pháp.

Tác giả tâm sự, cuốn sách đã hoàn thành nhiệm vụ giúp trả lại công bằng cho hai vạn người lính thợ Việt Nam, và đó cũng là tâm nguyện của anh khi thực hiện đề tài này. “Cuốn sách này cũng là công trình đầu tiên đề cập trực tiếp đến trang sử từ lâu đã bị khuất lấp ấy. Một sự khuất lấp điển hình cho việc che đậy bộ mặt thật của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới qua nhiều giai đoạn”, ông Gilles Manceron - nhà sử học - nhà báo - chuyên gia nghiên cứu về chủ nghĩa thực dân Pháp - nhận xét.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục