Sống mãi với thời gian

Sống mãi với thời gian

Kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại khu trưng bày hiện vật ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra cuộc giao lưu Nhân chứng lịch sử với thế hệ trẻ. Những nhân chứng một thời gắn liền với các kỷ vật kháng chiến đã làm sống lại những ký ức không quên.

Từ ý tưởng ban đầu, cho đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến đã tiếp nhận được hàng ngàn kỷ vật có giá trị. Không chỉ những cựu chiến binh, nhân dân trong nước hiến tặng mà còn của những cựu binh Pháp, Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Mỗi hiện vật đều là một câu chuyện có hồn, có số phận…

1. Đại tá - TS Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết thời gian gần đây, những kỷ vật kháng chiến hiến tặng cho bảo tàng ngày càng nhiều. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, đã xuất hiện biết bao tấm gương anh hùng, những chàng trai, cô gái tuổi đời còn rất trẻ sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.

Tại cuộc giao lưu, mọi người đã được gặp anh hùng Nguyễn Thị Chiên, sinh năm 1930, quê ở xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi, trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến năm 1952, bà tham gia xây dựng cơ sở kháng chiến ở 5 thôn, xây dựng và chỉ huy Đội du kích xã Tán Thuật đánh địch chống càn, phá giao thông đường 39, phá tề. Bà đã tiêu diệt, làm bị thương và bắt 15 tên địch bằng vũ khí thô sơ, tự tạo và nổi tiếng là người tay không bắt giặc. Bà được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 22 tuổi. Nguyễn Thị Chiên cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Nhà nước tuyên dương Anh hùng.

Các cựu chiến binh bồi hồi trước những kỷ vật thời chiến trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Các cựu chiến binh bồi hồi trước những kỷ vật thời chiến trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

2. Thiếu tướng, anh hùng Phạm Ngọc Lan sinh ngày 12-12-1934, tại xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mới 10 tuổi, cậu bé Lan đã tham gia thiếu nhi cứu quốc, tập kết lương thực cho Vệ quốc đoàn. Năm 1964, ông về nước trở thành phi công lái máy bay chiến đấu MiG-17 thuộc Trung đoàn Không quân 921. Ông tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu nhiều trận, cùng đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong đó, trận đánh ấn tượng nhất là trận ra quân đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam ngày 3-4-1965 trên bầu trời cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Sau khi chỉ huy biên đội bắn hạ 2 chiếc F-8E của hải quân Mỹ, ông tiếp tục truy đuổi máy bay đối phương đang tìm cách thoát ra phía biển. Đến lúc này ông mới phát hiện chiếc máy bay MiG-17A do mình điều khiển đã gần hết nhiên liệu, trục la bàn bị gãy do thực hiện quá nhiều động tác ngoặt gấp, không còn định hướng được nữa. Cấp trên chỉ thị phải nhảy dù ngay ra khỏi máy bay để bảo toàn sự sống. Tuy nhiên, ông chần chừ vì lúc ấy nghĩ xót quá. Chiếc máy bay này vừa mới cùng mình lập chiến công, bỏ đi không đành. Vì vậy, ông quyết định hạ cánh bằng thân máy bay tại một bãi bồi trồng ngô ven sông Đuống. Với chiến công này, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huy hiệu Hồ Chí Minh. Hiện nay, tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, bộ đồ bay gắn với chiến công của anh hùng Phạm Ngọc Lan đang được gìn giữ một cách trang trọng.

3. Thương binh Nguyễn Bằng Phi, quê ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Mẹ anh là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Thao có chồng, 2 con trai là liệt sĩ, 1 thương binh 3/4. Năm 1958, Nguyễn Bằng Phi tham gia hoạt động hợp pháp bị địch bắt tù theo luật 10/59. Ra tù, anh tiếp tục công tác tại Ban Chính trị Thủ Dầu Một. Năm 1966, trong một lần đi công tác, anh bị mảnh pháo của địch chặt đứt chân phải, được đơn vị đưa đi điều trị tại Viện K24. Để được trở về đơn vị công tác, anh đã nghĩ ra dùng ống pháo sáng, đinh thép pháo chụp, chiến lợi phẩm thu được của địch làm chân giả để tiếp tục công tác. Năm 1969, anh đề đạt với ban lãnh đạo Đoàn 80 F94 N20 cho kinh phí mua một số phụ tùng, thu gom chiến lợi phẩm thu được của địch sản xuất 200 chân giả phục vụ các thương binh có hoàn cảnh như mình. Chiếc chân giả tự chế nơi chiến trường bởi bàn tay khéo léo của Nguyễn Bằng Phi đã đồng hành với những người lính lập nên bao chiến công. Điều đó cũng minh chứng một điều, cuộc chiến tranh diễn ra càng khốc liệt, kẻ thù càng sử dụng những phương tiện chiến tranh hiện đại thì phẩm chất kiên cường, sáng tạo và lạc quan của giải phóng quân càng ngời sáng.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục